“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện chủ đề năm 2023”
Thực hiện Kế hoạch số 28-KH/ĐU ngày 14/3/2023 của Đảng uỷ Tập đoàn về triển khai thực hiện Chuyên đề năm 2023 của Đảng ủy EVN “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” và Kế hoạch số 01-KH/CB ngày 08/5/2023 của CB TCHC về sinh hoạt chuyên đề năm 2023.
Ngày 11/7/2023 Chi bộ Phòng Tổ chức -Hành chính đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề với nội dung “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện chủ đề năm 2023”, tham dự và chỉ đạo buổi sinh hoạt chuyên đề có đồng chí Phạm Thanh Hoài -Bí Thư Đảng ủy Ban, đồng chí Chế Quang Tân -Bí thư Chi bộ phòng TCHC và toàn thể đảng viên trong Chi bộ.
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề đồng chí Phạm Thanh Hoài - Bí thư đảng ủy Ban QLDA Điện 3 đã nhấn mạnh đối với mỗi đảng viên, CBCNV nhân viên phải “nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động” đúng theo tinh thần tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đồng chí Chế Quang Tân - Bí thư Chi bộ TCHC cho biết buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm thực hiện kế hoạch học tập chuyên đề năm 2023 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Chi bộ Tổ chức- Hành chính, bám sát chủ đề sinh hoạt chuyên đề năm 2023 của Đảng ủy Ban và Đảng ủy EVN. Đồng thời cũng tuyên truyền, phổ biến, quán triệt để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công nhân viên về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các giải pháp về phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí được triển khai có hiệu quả,
Các đảng viên trong Chi bộ đã chú ý lắng nghe, có ý kiến trao đổi về nội dung, hình thức và ý nghĩa của chuyên đề đối với bản thân.
Nội dung chuyên đề do đồng chí Trương Đức Tài - Phó bí thư Chi bộ biên soạn, được trình bày dưới dạng bài thuyết trình kết hợp minh họa bằng các slide hình ảnh, đặc biệt là các tính huống, giải pháp cho công tác quản trị nội bộ tại Ban. Bằng hình thức trình bày linh hoạt của đồng chí Phó bí thư Chi bộ đã góp phần chuyển tải sâu sắc nội dung, ý nghĩa của chuyên đề tới đảng viên tham dự.
Chi bộ phòng Tổ chức- Hành chính xin truyền tải toàn bộ nội dung chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện chủ đề năm 2023” đến toàn thể đảng viên
Phần thứ nhất
TƯ TƯỞNG VÀ TẤM GƯƠNG MẪU MỰC HỒ CHÍ MINH
VỀ ĐOÀN KẾT, XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH
Trước hết, tôi xin trình bày khái quát về Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đoàn kết
Tư tưởng về đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện nổi bật qua những câu nói của Bác: “Đoàn kết làm ra sức mạnh”; “Đoàn kết là thắng lợi”; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người khẳng định: Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người cũng thể hiện mong muốn tột bậc: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng Thế giới.
Với chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở thống nhất lợi ích quốc gia dân tộc với quyền lợi cơ bản của các giai tầng; nòng cốt khối đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ là cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, dân cư ở các vùng miền khác nhau. Phải phát huy mặt tương đồng, hóa giải điểm khác biệt để đạt mẫu số chung của đại đoàn kết toàn dân tộc là: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, giàu mạnh. Người khẳng định: Toàn dân đoàn kết nhất trí thì chúng ta nhất định xây dựng được nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, giàu mạnh.
Thứ hai, Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mệnh trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Từ đó Bác xác định yếu tố tiên quyết là xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền trong sạch, vững mạnh, làm hạt nhân lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị.
Sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Xây dựng Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Để hoàn thành sứ mệnh của Đảng Cộng sản cầm quyền, cần tập trung xây dựng Đảng trên các mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức. Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một yêu cầu tất yếu, khách quan, bởi công tác này gắn với quá trình phát triển liên tục của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trước diễn biến của điều kiện khách quan, bản thân Đảng phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới để vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc.
Công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh gồm: Xây dựng Đảng về chính trị; xây dựng Đảng về tư tưởng; xây dựng Đảng về tổ chức; xây dựng Đảng về đạo đức. Đồng thời, tổ chức sinh hoạt Đảng cần thực hiện 5 nguyên tắc: Nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nguyên tắc tự phê bình và phê bình; nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh, tự giác; nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Phần thứ hai
HỌC TẬP TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH ĐỂ XÂY DỰNG CHI BỘ ĐOÀN KẾT, TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh xây dựng Chi bộ thực sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh là hạt nhân lãnh đạo của đơn vị, xin được trao đổi một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Một là, mỗi đảng viên, viên chức, người lao động phải luôn nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống, nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những hành vi và việc làm của bản thân; nêu cao ý thức trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quyền hạn, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác; hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao với chất lượng, hiệu quả cao. Luôn phát huy và giữ vững tinh thần đoàn kết, xây dựng chi bộ đoàn kết, trong sạch, vững mạnh; có tinh thần giúp đỡ, phối hợp với đồng nghiệp trong Trung tâm để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Hai là, luôn xác định rõ bản thân là một nhân tố góp phần nâng cao chất lượng đảng viên. Vì vậy, phải thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình để nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ đảng. Tự giác nhận khuyết điểm và sai sót của bản thân. Kịp thời khắc phục những hậu quả; không đùn đẩy đổ lỗi của mình cho người khác.
Ba là, ra sức phấn đấu xây dựng mối đoàn kết nội bộ tốt, mỗi đảng viên trong Chi bộ là một thực thể không thể tách rời; luôn tập hợp, đoàn kết mọi người trong chi bộ, tôn trọng những điểm khác biệt của mỗi cá nhân, không trái với lợi ích chung của tập thể; tăng cường quan hệ mật thiết giữa các gia đình, cá nhân mỗi đồng chí trong chi bộ; trong góp ý đấu tranh xây dựng nội bộ luôn thẳng thắn chân tình, cởi mở nhằm giúp nhau cùng tiến bộ.
Bốn là, phải luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức: Chủ động, sáng tạo, trách nhiệm; nói đi đôi với làm; chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại”. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cơ quan không ngừng học tập nâng cao về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh, kỷ cương và tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm được giao, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Năm là, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chi ủy phải thật sự gương mẫu tiên phong trong mọi việc làm, mọi hành động, không tự mãn với thành tích đạt được, không kêu ca phàn nàn trước khó khăn. Luôn nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mỗi cá nhân để phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Sáu là, Nâng cao vai trò lãnh đạo của chi ủy trong tham gia xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết của chi bộ. Phải đoàn kết rộng rãi, chân thành mọi thành viên trong chi bộ; đa dạng hóa các hình thức tập hợp thông qua các hoạt động tập thể giữa cá nhân hoặc gia đình các thành viên trong chi bộ; động viên để tạo sự đồng thuận, hiệp lực trong thực thi nhiệm vụ tại cơ quan. Phải tôn trọng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Phát huy sức mạnh tập thể tạo nên khối đoàn kết thống nhất giữa Chi ủy và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Bảy là, Chi ủy chi bộ phải nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, người lao động; nỗ lực chăm lo, quan tâm đến lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của từng cá nhân, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích của tập thể tạo sự công bằng, dân chủ trong chi bộ. Thường xuyên động viên các đảng viên luôn có ý thức xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết trong chi bộ, góp phần đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên.
- Để góp phần xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, thiết nghỉ mỗi cá nhân cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục nghiên cứu, học tập nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Chủ động, sáng tạo, trách nhiệm; nói đi đôi với làm; chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại”, thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Xây dựng lối sống thẳng thắn, trung thực; nâng cao sức chiến đấu của đảng viên. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm; nói đi đôi với làm; chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của chi bộ, cơ quan, của Ban.
Xây dựng kế hoạch, định hướng trước một số nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, cá nhân phụ trách, tránh trường hợp bị động trong công việc, chậm trễ trong nhiệm vụ được lãnh đạo phân công.
Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những mô hình hay, cách làm hiệu quả của tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu xuất sắc trong học tập và làm theo Bác, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong cơ quan. Thẳng thắn trong phê bình, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, nói không đi đôi với làm, bệnh hình thức,...
Chú trọng việc tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, thể hiện tốt tinh thần đoàn kết nội bộ qua lời nói, việc làm góp phần thực hiện thắng lợi nhiêm vụ chính trị của chi bộ, cơ quan trong thời gian tới.
Trong Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được đề cập trong chủ đề Đại hội: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ốn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” và được trình bày trong mục “XII. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân”.
Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn có một vị trí quan trọng, xuyên suốt. Tư tưởng đó đã được vận dụng và chứng minh bằng thực tiễn cách mạng từ khi có Đảng. Phát huy truyền thống đại đoàn kết của dân tộc, nhân dân đã đồng tâm hiệp lực để tạo động lực chủ yếu cho sự phát triển đất nước, cơ sở của sự đồng thuận đó là sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích của các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong quá trình phát triển theo nguyên tắc các bên cùng có lợi. Đó cũng chính là cơ sở để duy trì, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.