TỪ CHỐI ĐẶT NHÀ MÁY ĐIỆN THAN TẠI ĐỊA PHƯƠNG: Giải bài toán thiếu hụt điện thế nào?
Tỉnh Long An mới đây từ chối xây dựng nhà máy điện than tại địa phương với mục đích bảo vệ môi trường đang dấy lên những băn khoăn. Bởi lẽ, giai đoạn sắp tới, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong khi nhu cầu sử dụng điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất ngày càng tăng, nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng thì việc “quay lưng” với nhiệt điện than liệu có phù hợp?
Nhiệt điện than bị nhiều nơi chối từ
Theo thống kê của Cục điện và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), tính đến đầu năm 2019, tỉ lệ các nguồn điện vẫn có sự chênh lệch khá lớn. Trong đó, nhiệt điện than chiếm 41,2%. Đứng thứ hai là nhiệt điện khí chiếm 21,9%. Tỉ lệ thủy điện; điện hạt nhân và điện tái tạo chiếm tỉ lệ không cao. Dù nhà máy nhiệt điện than đang chiếm tỉ lệ khá cao trong cung cấp nguồn điện, tuy nhiên, thời gian gần đây, một số tỉnh đã thẳng thừng từ chối hình thức hoạt động nhà máy này. Bởi lẽ theo lý giải, với hình thức xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than, họ lo ngại sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, vào gần cuối tháng 11.2019, ông Nguyễn Văn Út - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh vẫn đang làm thủ tục xin Chính phủ chấp thuận việc điều chỉnh nguồn nhiên liệu 2 nhà máy nhiệt điện Long An 1 và 2 từ sử dụng than chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng. Theo đó, Long An cho rằng, việc quy hoạch Trung tâm điện lực Long An sử dụng nguồn nhiên liệu khí hóa lỏng sẽ đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững mà Nhà nước và Chính phủ đã đề ra và để phát triển kinh tế tỉnh Long An theo định hướng “nền kinh tế xanh - sạch - hiện đại”.
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo Bộ Công Thương nêu rõ: Các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thường bị chậm so với quy hoạch ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung ứng điện. Cụ thể, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành (chưa bao gồm các dự án năng lượng tái tạo).
Sau 3 năm thực hiện, nhiều dự án đã không được thực hiện do đề xuất, kiến nghị của địa phương như: Các dự án điện than ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh. Trong khi nhiều địa phương khác đề nghị bổ sung các trung tâm điện khí mới như Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận. Hầu hết các dự án BOT do nước ngoài thực hiện đều bị chậm so với tiến độ trong Quy hoạch. Nhiều dự án đang thi công cũng bị chậm tiến độ như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2.
Trong khi đó, nhiều dự án về điện gió, điện mặt trời của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã được Chính phủ phê duyệt lên đến hàng chục nghìn MW nhưng trên thực tế việc triển khai xây dựng còn rất ít.
Cần tính phương án kinh tế
Báo cáo của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nguồn cung cấp than và xử lý môi trường của các nhà máy nhiệt điện than là 2 vấn đề lớn khiến nhiều địa phương không mặn mà. Nhấn mạnh về vai trò của nhiệt điện than trong chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng Việt Nam, TS. Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, nhiệt điện than đảm bảo phụ tải cho biểu đồ tiêu thụ điện quốc gia, cung cấp điện cho các hộ tiêu thụ điện công nghiệp. Đi cùng với đó, thời gian và chi phí đầu tư hợp lý. Đặc biệt phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển.
Phân tích về nguồn năng lượng tái tạo, ông Hiến cho rằng, chỉ có thể được coi là nguồn bổ trợ mà không thể thay thế nguồn nhiệt điện than được bởi hệ số công suất thấp (chỉ từ 20-30%). Chi phí đầu tư lớn hơn. Phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như địa điểm, thời điểm nên không thể điều chỉnh được theo yêu cầu. Khó khăn phức tạp trong việc đấu nối vào lưới điện, sử dụng quỹ đất rất lớn.
Theo ông Hiến, để giảm tỉ lệ nhiệt điện than không hề đơn giản vì rất khó tìm nguồn thay thế trong khi các dự án thủy điện vừa và lớn đã khai thác gần hết. Nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn.
“Tới đây các nhà máy điện than ở Đồng bằng sông Cửu Long không nên dùng công nghệ như các nhà máy điện than ở miền Bắc mà nên dùng công nghệ lò điện than, siêu giới hạn để tăng hiệu suất. Mặc dù công nghệ này phải mất chi phí khá đắt nhưng tính toán với các nhà máy khí hóa lỏng, nhà máy điện mặt trời, gió thì rẻ hơn”, ông Hiến chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra kiến nghị, Việt Nam cần quan tâm đến chiến lược phát triển năng lượng, trong đó chú trọng đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Cường độ sử dụng năng lượng ở Việt Nam được xếp vào nhóm cao nhất trong khu vực và thế giới. Cụ thể, để làm ra 1 đơn vị GDP, Việt Nam phải tiêu tốn 1,6-1,8 đơn vị điện, trong khi các nước phát triển tạo ra được 1 đơn vị GDP chỉ cần 1 hoặc dưới 1 đơn vị điện.
Theo các chuyên gia, nhiệt điện than với công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường vẫn mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống điện vì diện tích chiếm đất ít, sản lượng điện lớn, ổn định, giá thành sản xuất hợp lý hơn các nguồn điện khác (giá nhiệt điện than thấp chỉ sau thủy điện). Bên cạnh đó, vấn đề môi trường đã và đang được kiểm soát, giám sát chặt chẽ bởi Chính phủ, các Bộ ngành cũng như các tổ chức xã hội và nhân dân nơi có dự án.
Tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Việt Nam hiện không có con đường nào khác ngoài nhiệt điện than.
Theo ông Long, bởi điện than ít tốn kém nhất so với điện tái tạo, điện mặt trời, điện gió. Điện là một nhu cầu tối thiểu để phát triển kinh tế. Tốc độ phát triển kinh tế càng cao thì nhu cầu càng lớn. Trong bối cảnh hiện nay có điện nhân tạo, nhiệt điện, điện tái tạo. Trong đó nếu đầu tư vào những loại điện khác thì chi phí rất lớn và nguồn lực không đủ. Nên hiện nay chủ yếu là vẫn đầu tư vào nhiệt điện, mà nhiệt điện thì ảnh hưởng môi trường nên phải xử lý vấn đề ô nhiễm. Ông nói, các dự án nhiệt điện bao giờ xây dựng thì cũng phải xây dựng về tác động môi trường. Không chỉ riêng nhà máy điện than gây ảnh hưởng môi trường mà các nhà máy khác cũng có thể có nguy cơ gây ảnh hưởng. Ví dụ như sử dụng điện mặt trời thì pin bị hỏng sẽ tiêu hủy ra sao...
Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Dầu khí, Than khoáng sản phải có trách nhiệm cung ứng đủ nguồn nhiên liệu
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, hiện nay 1 KWh điện huy động từ các nhà máy chạy dầu, EVN phải trả cao hơn 3.000 đồng. Như vậy, nếu huy động càng nhiều điện từ các nhà máy điện dầu thì Tập đoàn EVN càng đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Trước vấn đề này các tập đoàn lớn như Dầu khí, Than khoáng sản cũng phải có trách nhiệm để đảm bảo cung ứng đủ nguồn nhiên liệu cho việc chạy nhà máy điện than, khí. Đây là các nhà máy có giá thành thấp hơn. Như vậy, chúng ta vẫn đảm bảo kinh tế mà vẫn đảm bảo nguồn điện.
Còn TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đến ngày cuối tháng 6.2019, có gần 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 4.460MW bổ sung vào hệ thống điện quốc gia. Trong bối cảnh thiếu nguồn điện, đây là nguồn điện rất quý giá, nhưng điện mặt trời cũng có mặt trái là sự không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết và khó dự báo chính xác. Bên cạnh đó, theo TS Thiên, rủi ro về vận hành, rủi ro về giá của nguồn điện này trong hệ thống điện cũng rất cao.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN: Giải bài toán thiếu hụt điện bằng tiết kiệm
Ngoài giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện và truyền tải điện, cần triển khai tiết kiệm điện từ chủ trương chung tới các giải pháp cụ thể. Bởi vì thực tế, việc xây dựng bất cứ dự án điện nào cũng cần thời gian dài, khó bổ sung thiếu hụt trong ngắn hạn. Để bảo đảm cung ứng điện ổn định và phát triển nguồn điện bền vững, theo ông Trần Viết Ngãi, cần thiết đưa giá điện về gần hơn với thị trường, tức giá bán lẻ điện bình quân phải tăng lên, nhất là khi các nguồn điện có thể huy động hiện nay đều có giá cao. Với giá điện cao, nhà đầu tư tư nhân sẽ có thêm động lực đầu tư vào ngành điện, giảm phụ thuộc vào doanh nghiệp duy nhất của nhà nước.
Được biết, để giải bài toán này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã cam kết sẽ có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời lên đến 67%.
Cao Nguyên (Laodong.vn)