Giáo sư Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường và đoàn công tác của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa có buổi làm việc với Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) về ứng dụng công nghệ 4.0 trong vận hành lưới điện phân phối, xây dựng lưới điện thông minh.
Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Thành viên Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tham dự buổi làm việc.
Theo ông Luân Quốc Hưng – Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, những năm qua, EVNHCMC đã ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xây dựng lưới điện thông minh…, qua đó, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động.
Đoàn công tác tham qua Trung tâm Điều độ Hệ thống điện TP.HCM
Theo kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số lưới điện thông minh của SP Group (Singapore) vào năm 2021, EVNHCMC đạt 67,9/100 điểm, xếp thứ 53/86 công ty điện lực thuộc 37 quốc gia trên thế giới có lưới điện thông minh và đứng top 2 trong khối công ty điện lực các nước ASEAN.
Hiện nay, EVNHCMC đã ứng dụng phân tích dữ liệu dựa trên dữ liệu thu thập từ hệ thống SCADA, thiết bị đo xa, Omni Chanel, CMC, GIS vào các hoạt động như: Dự báo phụ tải cho hơn 14.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP.HCM; thay thế tài sản, thiết bị; bảo dưỡng lưới điện theo phương pháp CBM; quản lý tổn thất điện năng; lập kế hoạch xây dựng và cải tạo lưới điện (cao/trung/hạ áp)…
100% TBA 110kV của tổng công ty đã đáp ứng tiêu chí không người trực, trang bị hệ thống camera an ninh và hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động; 100% tuyến dây 22kV được giám sát và điều khiển từ xa, trong đó 83% tuyến dây vận hành ở chế độ tự động hoàn toàn. Tổng công ty cũng đã xây dựng TBA 110kV 63MVA kỹ thuật số đầu tiên tại huyện Củ Chi.
Đặc biệt, từ tháng 1/2022, EVNHCMC đã đưa trung tâm điều khiển dự phòng vào hoạt động song song với trung tâm điều khiển chính, đảm bảo việc vận hành, cung cấp điện trên địa bàn luôn đảm bảo an toàn, tin cậy.
Đoàn công tác nghe giới thiệu về Tổng đài Chăm sóc khách hàng đa kênh thuộc Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVNHCMC
EVNHCMC đã nghiên cứu xây dựng thành công OMS – hệ thống quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến, được viết trên mã nguồn mở linh hoạt trong việc lập trình cũng như kết nối với các hệ thống khác như: Liên kết với chương trình Quản lý quan hệ khách hàng (CRM), trao đổi dữ liệu với hệ thống SCADA và MDMS để cập nhật trạng thái tự động và tính toán độ tin cậy, Hệ thống thông tin địa lý (GIS), chương trình Quản lý nguồn điện và lưới điện (PMIS). Với chương trình này, việc cung cấp điện, phát hiện mất điện, sửa chữa điện, quản lý cung cấp điện sẽ được thực hiện trực quan sinh động và giám sát tình hình cung cấp điện trên địa bàn 24/7.
EVNHCMC cũng đã đưa vào hoạt động tổng đài chăm sóc khách hàng đa kênh, cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến thông qua các nền tảng như: App CSKH; webiste EVNHCMC; Facebook, Viber, Zalo), SMS…
Giáo sư Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa cho biết, ông rất ấn tượng với những công nghệ mà EVNHCMC đã ứng dụng vào công tác quản lý, vận hành lưới điện cũng như chăm sóc khách hàng, đặc biệt là những kết quả đạt được trong lộ trình xây dựng lưới điện thông minh. Giáo sư Lê Anh Tuấn cũng cho hay, là một trong những đơn vị hàng đầu về nghiên cứu khoa học công nghệ ở Việt Nam, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội rất mong muốn trong thời gian tới sẽ hợp tác với EVNHCMC về nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ số vào vận hành lưới điện phân phối; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Buổi làm việc giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và EVNHCMC nằm trong khuôn khổ nội dung thoả thuận hợp tác giữa EVN với Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2019 – 2024.
Nguồn: https://www.evn.com.vn/d6/news/Truong-Dai-hoc-Bach-khoa-Ha-Noi-lam-viec-voi-EVNHCMC-ve-luoi-dien-thong-minh-6-12-31131.aspx
Phòng KT-AT sưu tầm