09 thg 05, 2022 | 01:54

TÌM HIỂU PHÁP LUẬT VÀ QCQLNB CỦA EVN - SỐ 08

Căn cứ quy định của pháp luật, các Quy chế quản lý nội bộ của EVN, Anh (Chị) hãy trả lời và giải thích ngắn gọn các tình huống, khẳng định sau:


Nội dung 1: Theo điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng quy định:“ Đối với các công trình quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định này, phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định này kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu quy định tại điểm a khoản này của chủ đầu tư. Đối với công trình sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công, chủ đầu tư chỉ được phép quyết toán hợp đồng thi công xây dựng sau khi có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu nêu trên”. Điểm b khoản 4 Điều 24 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định cơ quan chuyên môn về xây dựng “kiểm tra các điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào khai thác, sử dụng”.

Hỏi, trong 02 ý kiến về trình tự để bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sau, ý kiến nào phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng:

- Ý kiến 1: Bước 1: Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu công trình hoàn thành. Bước 2: Cơ quan chuyên môn về xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu ra văn bản chấp thuận. Bước 3: Chủ đầu tư bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

- Ý kiến 2: Bước 1: Cơ quan chuyên môn về xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu ra văn bản chấp thuận. Bước 2: Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu công trình hoàn thành. Bước 3: Chủ đầu tư bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đáp án:

Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng chỉ quy định thời điểm chủ đầu tư gửi hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình tới cơ quan chuyên môn về xây dựng, không quy định thời điểm chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình.

Theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 24 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP thì sau khi kết thúc đợt kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng, cơ quan chuyên môn về xây dựng ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư trong trường hợp đáp ứng các quy định của pháp luật. Tại thời điểm cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu, trường hợp chủ đầu tư chưa tổ chức nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng thì chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của cơ quan chuyên môn về xây dựng, rà soát và tổ chức khắc phục các tồn tại (nếu có), tổ chức nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định và gửi biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng tới cơ quan chuyên môn về xây dựng để được xem xét, chấp thuận kết quả nghiệm thu theo quy định.

Căn cứ vào biên bản nghiệm thu hoàn thành và báo cáo về việc khắc phục các tồn tại (nếu có) của chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư theo quy định.

 

Nội dung 2:  Cơ quan A đang thực hiện thẩm tra quyết toán một dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn đầu tư công (dự án đầu tư xây dựng công trình do Công ty B là chủ đầu tư). Dự án đã được chủ đầu tư thuê kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán dự án. Tuy nhiên, có nhiều hồ sơ thiếu sót được phát hiện trong quá trình kiểm tra. Các nội dung không được kiểm toán độc lập phát hiện hay nhận xét tại báo cáo kết quả kiểm toán độc lập, làm ảnh hưởng đến giá trị quyết toán.

Hỏi, trong trường hợp này theo quy định của pháp luật thì phải xử lý thế nào và thẩm quyền xử lý?

Đáp án:

Điều 3 Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/02/2020 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước quy định:

"Chi phí đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư để đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, dự toán được duyệt và hợp đồng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật (đối với những công việc thực hiện theo hợp đồng) kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền. Chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được duyệt hoặc được điều chỉnh, bổ sung theo quy định của pháp luật".

Khoản 3, Điều 7 Thông tư số 10/2020/TT-BTC quy định: "Chủ đầu tư có trách nhiệm xuất trình các tài liệu khác có liên quan để phục vụ công tác thẩm tra quyết toán khi cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán đề nghị bằng văn bản".

Phiếu giao nhận hồ sơ quyết toán theo Mẫu số 13/QTDA ban hành kèm theo Thông tư số 10/2020/TT-BTC, trong đó quy định: "Trong quá trình thẩm tra quyết toán, trường hợp thiếu hồ sơ, cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán sẽ có văn bản yêu cầu bổ sung. Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung hồ sơ theo yêu cầu. Thời gian quyết toán sẽ tính lại từ khi nhận đầy đủ hồ sơ".

Việc thẩm tra quyết toán đối với dự án, công trình, hạng mục công trình đã được kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 10/2020/TT-BTC, trong đó quy định:

"Trường hợp kết quả kiểm toán có sai sót, không bảo đảm yêu cầu, không đủ nội dung theo quy định, cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán thông báo cho chủ đầu tư để yêu cầu nhà thầu kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán lại hoặc kiểm toán bổ sung".

Khoản 1 Điều 25 Thông tư số 10/2020/TT-BTC quy định chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan đến quyết toán dự án hoàn thành theo yêu cầu của cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán.

Theo khoản 5 Điều 25 Thông tư số 10/2020/TT-BTC quy định cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán chịu trách nhiệm về kết quả trực tiếp thẩm tra quyết toán trên cơ sở hồ sơ quyết toán do chủ đầu tư cung cấp.

Do đó, cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán chịu trách nhiệm về kết quả trực tiếp thẩm tra quyết toán trên cơ sở hồ sơ quyết toán do chủ đầu tư cung cấp, đề nghị chủ đầu tư cung cấp tài liệu bổ sung có liên quan để phục vụ công tác thẩm tra quyết toán; chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan đến quyết toán dự án hoàn thành theo yêu cầu của cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán.

 

Nội dung 3: Ông B là Kiểm soát viên của Tổng Công ty X, là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Theo Điều lệ của Tổng Công ty X thì Tổng Công ty này không thành lập Ban Kiểm soát mà chỉ có một Kiểm soát viên.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 103 Luật Doanh nghiệp 2020 thì: “Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban kiểm soát. Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục tại công ty đó. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát”.

Ông B được bổ nhiệm làm Kiểm soát viên của Tổng Công ty X từ trước thời điểm Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực. Về tiêu chuẩn, ông B đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của Trưởng ban kiểm soát. Hỏi, theo quy định của pháp luật, ông B có được hưởng lương theo thang, bảng lương của Trưởng ban kiểm soát không.

Đáp án:

Khoản 1 Điều 103 Luật Doanh nghiệp số năm 2020 quy định: “Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban kiểm soát. Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục tại công ty đó. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát”

 Khoản 1, Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp quy định:

“1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp ban hành Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên.

...

4. Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên bao gồm các nội dung sau đây:

a) Phạm vi, nội dung thực hiện các quyền, nghĩa vụ và nhiệm vụ được giao của Ban Kiểm soát, Kiểm soát viên;

b) Cơ chế phối hợp; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp đối với hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên;

c) Cơ chế phối hợp, báo cáo, xin ý kiến giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và Ban kiểm soát, Kiểm soát viên trong thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao;

d) Cơ chế phối hợp giữa Ban kiểm soát, Kiểm soát viên với doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại doanh nghiệp khác trong thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên đối với doanh nghiệp, công ty con, công ty có phần vốn góp hoặc công ty liên kết của doanh nghiệp.

đ) Cơ chế đánh giá việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và nhiệm vụ của Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên;

e) Tiền lương, thù lao, tiền thưởng, điều kiện làm việc, định mức chi phí công tác, chi phí hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên;

g) Nội dung khác theo quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu."

Căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp Ban kiểm soát của công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát. Cơ quan đại diện chủ sở hữu phải ban hành Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên, Ban Kiểm soát để Ban Kiểm soát, Kiểm soát viên thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Luật và các văn bản hướng dẫn.

Khoản 2 Điều 104 Luật Doanh nghiệp quy định: “Tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của Kiểm soát viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định và chi trả”.

Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP quy định: “2. Tiền lương, thù lao, tiền thưởng, điều kiện làm việc, định mức chi phí công tác và các chi phí hoạt động khác của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định, tối thiểu bằng thành viên Hội đồng thành viên hoặc Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc) tại doanh nghiệp; được tính vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp và được lập thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của doanh nghiệp.

Đồng thời, Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có quy định cụ thể việc thực hiện trả lương, thù lao của kiểm soát viên, Trưởng ban Kiểm soát.

 

Nội dung 4: Công ty cổ phần A và công ty cổ phần B đều là Công ty con của Công ty cổ phần C (công ty cổ phần C sở hữu cổ phần/vốn điều lệ Công ty A và Công ty B lần lượt là 55% và 49%. Công ty cổ phần C có 88% vốn nhà nước). Công ty cổ phần A sở hữu 10% cổ phần B, vậy Công ty A có phải đang sở hữu chéo Công ty B không hay mối quan hệ giữa 3 công ty này có phải là quan hệ sở hữu chéo không? Công ty cổ phần A có phải là doanh nghiệp có vốn nhà nước không và có phải thực hiện theo Luật đấu thầu, Luật đầu tư không?

Đáp án:

1. Đối với việc xác định doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp năm 2020:

- Khoản 1, khoản 3 Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định

“1.Doanh nghiệp nhà nước bao gồm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết”.

- Điều 7 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp quy định Doanh nghiệp nhà nước và xác định tỷ lệ vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp như sau:

“1. Công ty mẹ quy định tạiđiểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 88 Luật Doanh nghiệpkhông là công ty con trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty và nhóm công ty mẹ - công ty con khác.

2. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp là tổng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, cổ phần có quyền biểu quyết của các cơ quan đại diện chủ sở hữu nắm giữ tại doanh nghiệp đó.

3. Công ty độc lập quy định tạiĐiều 88 Luật Doanh nghiệplà công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước sở hữu vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và không thuộc nhóm công ty mẹ - công ty con”.

- Khoản 8 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”.

- Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định: “Vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật”.

Theo các quy định nêu trên, trường hợp tại thời điểm hiện nay Công ty cổ phần C có vốn nhà nước theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 thì Công ty cổ phần C là doanh nghiệp nhà nước, do Nhà nước nắm giữ 88% vốn điều lệ.

Công ty cổ phần A và Công ty cổ phần là doanh nghiệp do Công ty cổ phần C góp lần lượt là 55% và 49% vốn điều lệ. Do vậy, phần vốn do Công ty cổ phần C góp (55% vốn điều lệ) vào Công ty A là vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, Công ty A là doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần; Công ty A không phải là doanh nghiệp nhà nước theo quy định pháp luật nêu trên.

2. Về việc Công ty A có sở hữu chéo Công ty B không hay mối quan hệ giữa 3 Công ty có là quan hệ sở hữu chéo không:

Khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau”. Căn cứ quy định nêu trên, 2 công ty con của cùng một công ty mẹ được xem là sở hữu chéo khi 2 công ty đó đồng thời góp vốn, mua cổ phần của nhau.

3. Về việc tuân thủ Luật Đấu thầu năm 2013 của Công ty A:

Trong trường hợp này, Công ty A không phải là doanh nghiệp nhà nước, do đó, việc xác định gói thầu thuộc hay không thuộc phạm vi điều chỉnh căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu. Theo đó, trường hợp dự án đầu tư phát triển không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.

4. Về việc tuân thủ Luật Đầu tư năm 2020 của Công ty A:

- Khoản 18 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 quy định: “Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”. Như vậy, Luật Đầu tư áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước.

- Theo điểm a khoản 3 Điều 4 Luật Đầu tư năm 2020, việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

 

Nội dung 5:  Nêu quy định về phân cấp trong công tác đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán điện trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam?

Đáp án:

Điều 40 Quy chế về công tác sản xuất kinh doanh điện trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 05/QĐ-HĐTV ngày 26/01/2022 của Hội đồng thành viên EVN quy định:

“Điều 40. Phân cấp về đàm phán, ký kết và thực hiện PPA

1. Thẩm quyền của Hội đồng thành viên EVN

a) Thông qua giá điện, PPA, hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA ảnh hưởng tới chi phí mua điện và thay đổi chủ thể PPA các nhà máy điện có công suất định mức trên 30MW (trừ các dự án quy định tại khoản 3 Điều này);

b) Quyết định chi phí mua điện, PPA, hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA các dự án nhập khẩu điện sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua

2. Thẩm quyền của Tổng Giám đốc EVN

a) Thông qua giá điện, PPA, hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA các nhà máy điện có công suất định mức đến 30MW (trừ các dự án quy định tại khoản 3 và điểm e khoản 4 Điều này);

b) Thông qua hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA các nhà máy điện có công suất định mức trên 30 MW (bao gồm cả trường hợp đổi tên doanh nghiệp, thay đổi hình thức pháp lý doanh nghiệp) trừ các hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

c) Thẩm định trình HĐTV EVN thông qua dự thảo PPA, dự thảo hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA thuộc thẩm quyền của HĐTV EVN quy định tại khoản 1 Điều này;

d) Thực hiện các PPA, hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA đã ký quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

3. Thẩm quyền của HĐTV TCTĐL

Thông qua giá điện, PPA, hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA ảnh hưởng tới chi phí mua điện và thay đổi chủ thể PPA: (i) các dự án thủy điện có công suất định mức đến 30MW đấu nối vào lưới điện các TCTĐL; (ii) các cụm nhà máy thủy điện bậc thang áp dụng biểu giá chi phí tránh được đấu nối vào lưới điện của các TCTĐL.

4. Thẩm quyền của Tổng Giám đốc TCTĐL

a) Đàm phán, ký tắt và trình HĐTV TCTĐL thông qua dự thảo PPA, dự thảo hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA thuộc thẩm quyền của HĐTV TCTĐL quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Thông qua, ký kết và chỉ đạo thực hiện hợp đồng sửa đổi bổ sung các PPA quy định tại khoản 3 Điều này (bao gồm cả trường hợp đổi tên doanh nghiệp, thay đổi hình thức pháp lý doanh nghiệp) trừ các hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA thuộc thẩm quyền của HĐTV TCTĐL.

c) Ký kết và quản lý việc thực hiện PPA, hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA sau khi được HĐTV TCTĐL thông qua quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Đại diện theo ủy quyền của EVN đàm phán, ký kết và thực hiện PPA, hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA nhập khẩu điện có cấp điện áp dưới 110kV sau khi có phê duyệt chủ trương của cơ quan có thẩm quyền.

e) Đàm phán, ký kết và thực hiện PPA các hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối lưới điện các TCTĐL không phân biệt cấp điện áp đấu nối. Tổng Giám đốc TCTĐL được ủy quyền cho Giám đốc CTĐL là đơn vị trực thuộc TCTĐL, Giám đốc CTĐL là Công ty TNHH MTV, Nhóm người đại diện phần vốn của TCTĐL tại CTĐL là CTCP thực hiện các nội dung tại điểm này.

5. Thẩm quyền của Giám đốc CTĐL là đơn vị trực thuộc TCTĐL, Giám đốc CTĐL là Công ty TNHH MTV, Nhóm người đại diện phần vốn của TCTĐL tại CTĐL là CTCP (phối hợp với HĐQT)

Đàm phán, ký kết và thực hiện PPA các hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối lưới điện các TCTĐL theo ủy quyền của Tổng giám đốc TCTĐL.

6. Thẩm quyền của Giám đốc EVNEPTC

a) Đàm phán, ký tắt và trình EVN thông qua dự thảo PPA, dự thảo hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của HĐTV, Tổng Giám đốc EVN quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;

b) Ký kết và quản lý việc thực hiện PPA, hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA sau khi được EVN thông qua và ủy quyền (trừ các nội dung phân cấp cho các TCTĐL quy định tại khoản 3 và điểm c, e khoản 4 Điều này)”.

Mới cập nhật

ĐỒNG CHÍ TRẦN NGỌC ÁNH VÀ ĐỒNG CHÍ LƯU CÔNG HÙNG VINH DỰ NHẬN HUY HIỆU 30 TUỔI ĐẢNG

ĐỒNG CHÍ TRẦN NGỌC ÁNH VÀ ĐỒNG CHÍ LƯU CÔNG HÙNG VINH DỰ NHẬN HUY HIỆU 30 TUỔI ĐẢNG

Sáng ngày 27/8/2024, tại trụ sở Ban QLDA Điện 3, Đảng ủy Ban QLDA Điện 3 đã long trọng tổ chức Lễ ...
Ban Quản lý Dự án Điện 3 Viếng Thăm Nghĩa Trang Liệt Sỹ TP.HCM

Ban Quản lý Dự án Điện 3 Viếng Thăm Nghĩa Trang Liệt Sỹ TP.HCM

Ngày 29/07/2024, Ban Quản lý Dự án Điện 3, bao gồm Ban lãnh đạo, cán bộ công nhân viên, và Đoàn ...
Ban Quản lý Dự án Điện 3 tiếp đón đoàn Nhà tài trợ vốn KfW và EVN tại hiện trường dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng ngày 21/07/2024

Ban Quản lý Dự án Điện 3 tiếp đón đoàn Nhà tài trợ vốn KfW và EVN tại hiện trường dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng ngày 21/07/2024

CBCNV BAN QLDA ĐIỆN 3 THAM GIA GIẢI CHẠY ONLINE  CHUNG BƯỚC - ĐỒNG LÒNG- THẮP SÁNG NIỀM TIN.

CBCNV BAN QLDA ĐIỆN 3 THAM GIA GIẢI CHẠY ONLINE CHUNG BƯỚC - ĐỒNG LÒNG- THẮP SÁNG NIỀM TIN.

Với mục đích xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, phấn khởi trong đoàn viên, công nhân ...
Dự kiến khởi công cầu Hiếu Liêm vào tháng 9-2024

Dự kiến khởi công cầu Hiếu Liêm vào tháng 9-2024

(ĐN) - Sáng 6-6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì buổi làm việc nghe huyện Vĩnh Cửu báo ...
Ninh Thuận đề nghị Ủy ban Châu Âu hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo

Ninh Thuận đề nghị Ủy ban Châu Âu hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo

Ngày 29-5, Đoàn công tác của bà Myriam Ferran, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đối tác Quốc tế, Ủy ban ...
CÔNG ĐOÀN BAN QLDA ĐIỆN 3 THĂM HỎI ĐỘNG VIÊN CBCNV TẠI CÔN ĐẢO

CÔNG ĐOÀN BAN QLDA ĐIỆN 3 THĂM HỎI ĐỘNG VIÊN CBCNV TẠI CÔN ĐẢO

Phát huy tinh thần bất diệt của Ngày Quốc tế Lao động 1.5 toàn bộ lãnh đạo, CBCNV EVNPMB3 những ...
EVN khởi công 7 dự án nguồn điện trong giai đoạn 2021-2025

EVN khởi công 7 dự án nguồn điện trong giai đoạn 2021-2025

Ngày 26.4, Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số ...
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát ...
BAN NỮ CÔNG CÔNG ĐOÀN EVNPMB3 THAM GIA TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ CÔNG TẤC NỮ CÔNG NĂM 2024

BAN NỮ CÔNG CÔNG ĐOÀN EVNPMB3 THAM GIA TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ CÔNG TẤC NỮ CÔNG NĂM 2024

Sau đại hội công đoàn các cấp, có rất nhiều cán bộ công đoàn, cán bộ nữ công lần đầu tham gia công ...

 

 --------------------------------------------------------------------------------------------------

© Bản quyền thuộc về Ban Quản lý dự án Điện 3
Địa chỉ: 25 Thạch Thị Thanh, phường Tân Định, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Tel: 028 22100423      Fax: 028 38206776       Web: www.pmb3.com.vn