Căn cứ quy định của pháp luật, Anh (Chị) hãy trả lời và giải thích ngắn gọn các tình huống sau:
Nội dung 1: Trình bày các tài sản cố định không thuộc diện phải trích khấu hao áp dụng trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.
Đáp án:
Các tài sản cố định không thuộc diện phải trích khấu hao được quy định tại khoản 1 Điều 11 Quy chế Quản lý tài sản và nguồn vốn trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 09/QĐ-HĐTV ngày 28/01/2022) như sau:
- Tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn đang sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Tài sản cố định chưa khấu hao hết bị mất.
- Tài sản cố định khác do đơn vị quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của đơn vị (trừ Tài sản cố định thuê tài chính).
- Tài sản cố định không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của đơn vị.
- Tài sản cố định sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ người lao động của đơn vị (trừ các Tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại đơn vị như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo, dạy nghề, thư viện, nhà trẻ, khu thể thao và các thiết bị, nội thất đủ điều kiện là tài sản cố định lắp đặt trong các công trình nêu trên; bể chứa nước sạch, nhà để xe; xe đưa đón người lao động, nhà ở trực tiếp cho người lao động; chi phí xây dựng cơ sở vật chất, chi phí mua sắm máy, thiết bị là tài sản cố định dùng để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp)
- Tài sản cố định từ nguồn viện trợ không hoàn lại sau khi được cơ quan có thẩm quyền bàn giao cho đơn vị để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
- Tài sản cố định vô hình là quyền sử dụng đất lâu dài có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâu dài hợp pháp.
Tài sản cố định hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định hiện hành.
Nội dung 2: Bên mời thầu đã gửi thư mời nhà thầu xếp hạng thứ nhất đến thương thảo hợp đồng qua đường bưu điện. Thời gian nhà thầu nhận được thư mời thương thảo hợp đồng là ngày 10/02/2022 và thời gian yêu cầu nhà thầu có mặt để thương thảo là 8h00 ngày 15/02/2022. Tuy nhiên, nhà thầu được mời không đến tham dự theo thời gian và địa điểm nêu trong thư mời (trong suốt thời gian từ ngày 10/02/2022 đến ngày 15/02/2022, bên mời thầu không nhận được bất kỳ đề nghị nào về lùi thời gian thương thảo, dưới bất kỳ hình thức nào (bằng văn bản, thư điện tử, điện thoại,...).
Trường hợp này, bên mời thầu mời nhà thầu xếp hạng thứ nhất đến để đối chiếu tài liệu và thương thảo hợp đồng qua ứng dụng làm rõ Hồ sơ mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia thì có phù hợp với quy định không? Bên mời thầu có thể báo cáo với chủ đầu tư và tiến hành mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo hợp đồng không? Có phải tiếp tục gửi thư mời nhà thầu xếp hạng thứ nhất nữa không?
Đáp án:
Khoản 5 Điều 40 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu quy định trường hợp thương thảo không thành công, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo; trường hợp thương thảo với các nhà thầu xếp hạng tiếp theo không thành công thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định hủy thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Đấu thầu năm 2013.
Theo đó, trường hợp do dịch bệnh COVID-19, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ (trường hợp bất khả kháng) dẫn đến nhà thầu không thể trực tiếp đến thương thảo hợp đồng thì bên mời thầu và nhà thầu có thể thực hiện thương thảo, đối chiếu hồ sơ qua mạng.
Trường hợp nhà thầu không tiến hành thương thảo qua mạng hoặc đã hết thời gian giãn cách xã hội mà nhà thầu vẫn không tiến hành thương thảo hoặc từ chối tiến hành thương thảo hợp đồng trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo mời thương thảo hợp đồng của bên mời thầu thì nhà thầu sẽ không được hoàn trả giá trị bảo đảm dự thầu. Bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo hợp đồng theo quy định tại khoản 6 Điều 19 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Nội dung 3: Một công trình thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong thời gian xây dựng theo quy định tại Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ. Do nguyên nhân khách quan mà khi hết thời hạn bảo hiểm theo hợp đồng, công trình vẫn chưa hoàn thành và phải kéo dài thời gian xây dựng. Nhà thầu bảo hiểm chấm dứt đã hợp đồng. Chủ đầu tư phải thực hiện mua bảo hiểm của đơn vị bảo hiểm khác để bảo hiểm xây dựng cho công trình trong thời gian kéo dài. Trong trường hợp này thì việc xác định số tiền bảo hiểm tối thiểu, phí bảo hiểm cho thời gian xây dựng công trình kéo dài thực hiện theo quy định nào?
Đáp án:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng thì Chủ đầu tư (hoặc nhà thầu trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng) phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với một số loại công trình. Chi phí này được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 119/2015/NĐ-CP, thời hạn bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư (bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung (nếu có) và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Do đó, các Bên cần thỏa thuận thời hạn bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm đã ký kết để đảm bảo phù hợp với quy định của khoản 1 Điều 5 Nghị định số 119/2015/NĐ-CP về nội dung này.
Trường hợp được phép mua bổ sung, thì chi phí bổ sung có thể lấy từ chi phi dự phòng (cho khối lượng công việc phát sinh) theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Nội dung 4: Công ty A mở thư bảo lãnh dự thầu tại một ngân hàng thương mại. Công ty A không trúng thầu và đề nghị ngân hàng giải tỏa thư bảo lãnh. Tuy nhiên, ngân hàng yêu cầu phải đợi giải toả trong vòng 30 ngày sau khi hết thời hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu (thời hạn hết hiệu lực theo hồ sơ mời thầu là 120 ngày). Yêu cầu này của ngân hàng có phù hợp với quy định không?
Đáp án:
Việc bảo lãnh dự thầu của ngân hàng đối với khách hàng phải tuân thủ quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013 và Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 quy định về bảo lãnh ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 13/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017). Cụ thể:
Khoản 1 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định như sau: "Bảo đảm dự thầu là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu".
Khoản 4, 7 Điều 11 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định về bảo đảm dự thầu như sau:
"4. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu bằng thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất cộng thêm 30 ngày.
7. Bên mời thầu có trách nhiệm hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà thầu, nhà đầu tư không được lựa chọn theo thời hạn quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng không quá 20 ngày, kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được phê duyệt…..".
Điều 14 Thông tư số 07/2015/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng và khách hàng ký thỏa thuận cấp bảo lãnh để thực hiện bảo lãnh. Thỏa thuận cấp bảo lãnh phải có các nội dung bắt buộc, trong đó bao gồm “nghĩa vụ được bảo lãnh, hiệu lực của thỏa thuận cấp bảo lãnh”. Điều 15 Thông tư số 07/2015/TT-NHNN quy định cam kết bảo lãnh phải có các nội dung về “ngày hết hiệu lực và/hoặc trường hợp hết hiệu lực của bảo lãnh; nghĩa vụ bảo lãnh;…”.
Khoản 1 Điều 19 Thông tư số 07/2015/TT-NHNN cũng quy định "Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh được xác định từ ngày phát hành cam kết bảo lãnh hoặc sau ngày phát hành cam kết bảo lãnh theo thỏa thuận của các bên liên quan cho đến thời điểm hết hiệu lực của nghĩa vụ bảo lãnh quy định tại Điều 23 của Thông tư này".
Do đó, để giải tỏa thư bảo lãnh dự thầu trong trường hợp này, ngân hàng và các bên có liên quan căn cứ thỏa thuận của các bên tại thư bảo lãnh dự thầu và các quy định pháp luật có liên quan để thực hiện cho phù hợp.
Nội dung 5: Công ty B trụ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh, có mở địa điểm kinh doanh tại thành phố Hà Nội vào năm 2021. Công ty B muốn kê khai để nộp thuế môn bài 2022 thì thủ tục được thực hiện như thế nào? Địa điểm kinh doanh chưa được cấp mã số thuế thì cần những hồ sơ và thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền nào?
Đáp án:
Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế quy định thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:
"Người nộp thuế thực hiện quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Điều 44 Luật Quản lý thuế. Đối với thời hạn nộp hồ sơ khai của các khoản thu về đất, lệ phí môn bài, lệ phí trước bạ, tiền cấp quyền và các khoản thu khác theo pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật Quản lý thuế được thực hiện như sau:
1. Lệ phí môn bài
a) Người nộp lệ phí môn bài (trừ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) mới thành lập (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh) hoặc có thành lập thêm đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/1 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp trong năm có thay đổi về vốn thì người nộp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/1 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi…".
Điểm k khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế như sau:
"Người nộp thuế thực hiện các quy định về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 45 Luật Quản lý thuế và các quy định sau đây:
1. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có nhiều hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế là cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính đối với các trường hợp sau đây:
… k) Khai lệ phí môn bài tại nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh".
Mẫu biểu hồ sơ khai thuế được thực hiện theo Danh mục mẫu biểu tại Phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/ 2021 của Bộ Tài chín hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty của ông Quang có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2021 có thành lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố khác trụ sở chính thì thực hiên như sau:
- Về đăng ký thuế: Hiện nay, theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế (có hiệu lực từ ngày 17/01/2021) không có quy định về cấp mã số thuế 13 số cho địa điểm kinh doanh.
- Về lệ phí môn bài: Công ty thực hiện khai lệ phí môn bài cho địa điểm kinh doanh tại cơ quan thuế nơi có địa điểm kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 10 và khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Hồ sơ khai lệ phí môn bài là tờ khai lệ phí môn bài mẫu 01/LPMB ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021.