Căn cứ quy định của pháp luật, Anh (Chị) hãy trả lời và giải thích ngắn gọn các tình huống sau:
Nội dung 1: Từ 01/04/2022, một trong các điều kiện chấp thuận khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước là dự án nằm trong kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm, kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp.
Đáp án: Đúng. Theo khoản 4 Điều 1 Thông tư 09/2022/TT-BTC ngày 14/02/2022 (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 4 Thông tư 153/2014/TT-BTC ngày 20/10/2014) của Bộ Tài chính về quy chế xem xét, thẩm tra, chấp thuận khoản vay nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ quy định một trong các điều kiện xem xét, chấp thuận khoản vay nước ngoài là“2. Dự án sử dụng khoản vay nước ngoài phải phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp, do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và nằm trong kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm, kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp”.
Nội dung 2: Trình bày về thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản cố định trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.
Đáp án:
Khoản 2 Điều 3 Quy chế Quản lý tài sản và nguồn vốn trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 09/QĐ-HĐTV ngày 28/01/2022) quy định về thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản cố định (TSCĐ) như sau:
- Hội đồng thành viên EVN quyết định mua sắm TSCĐ có giá trị của một hợp đồng mua sắm TSCĐ từ 500 tỷ đồng đến không quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi nhận trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của EVN tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định mua sắm TSCĐ nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công.
- Tổng Giám đốc EVN quyết định mua sắm TSCĐ có giá trị của một hợp đồng mua sắm TSCĐ đến dưới 500 tỷ đồng.
- Hội đồng thành viên/Chủ tịch Công ty TNHH MTV cấp II, người đại diện của EVN quyết định hoặc biểu quyết thông qua mua sắm TSCĐ có giá trị của một hợp đồng mua sắm TSCĐ từ 150 tỷ đồng đến 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên Báo cáo tài chính quý hoặc Báo cáo tài chính năm của đơn vị tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định mua sắm TSCĐ nhưng không vượt quá 250 tỷ đồng.
- Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cấp II quyết định mua sắm TSCĐ có giá trị của một hợp đồng mua sắm TSCĐ đến dưới 150 tỷ đồng.
- Chủ tịch/Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp III, người đại diện của Công ty TNHH MTV cấp II quyết định hoặc biểu quyết thông qua việc mua sắm TSCĐ có giá trị của một hợp đồng mua sắm TSCĐ đến 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên Báo cáo tài chính quý hoặc Báo cáo tài chính năm của đơn vị tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định mua sắm TSCĐ nhưng không vượt quá 50 tỷ đồng.
- Giám đốc đơn vị trực thuộc EVN/Giám đốc đơn vị trực thuộc các Công ty TNHH MTV cấp II: thực hiện mua sắm TSCĐ trên cơ sở danh mục và nguồn vốn của TSCĐ mua sắm trong năm được EVN/các Công ty TNHH MTV cấp II phê duyệt.
Nội dung 3: Công trình A làm dự toán công trình có cốt xây dựng +27,45 (tính từ cốt 0,00). Theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021, toàn bộ công tác bê tông, cốt thép, ván khuôn có quy định độ cao thì áp dụng định mức có chiều cao < 28m có phù hợp không? Những công tác nằm dưới cốt 0,00 (cổ móng, dầm móng, đà kiềng ...) áp dụng theo chiều cao 6m hay 28m? Đối với công trình có cốt +20m (tính từ cốt 0,00) nhưng có tầng hầm cao 3,8m (từ cốt -2,5m đến cốt +1,3m) thì những công tác nằm trong tầng hầm này áp dụng theo chiều cao nào?
Đáp án:
Theo hướng dẫn áp dụng của phần 2 – định mức dự toán xây dựng công trình quy định tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng ban hành định mức xây dựng, chiều cao ghi trong định mức là chiều cao của công trình thì đối với công trình có chiều cao +27,45 (tính từ cốt 0,00) thì áp dụng các định mức có quy định chiều cao ≤ 28m.
Khi lập dự toán cho khối lượng công tác xây dựng thi công dưới cốt 0,00 (tầng hầm của công trình), đơn vị tư vấn căn cứ điều kiện thực hiện, biện pháp thi công cụ thể công trình để áp dụng, vận dụng định mức do cấp có thẩm quyền ban hành làm cơ sở xác định đơn giá cho các công tác xây dựng, bổ sung chi phí vận chuyển vật tư, vật liệu đến vị trí thi công (nếu có).
Trường hợp việc áp dụng, vận dụng định mức không phù hợp thì xác định định mức mới, định mức điều chỉnh theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 08/2/2021 của Chính phủ của về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Nội dung 4: Cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án Dự án lưới điện 110kV do Tổng công ty Điện lực quyết định đầu tư, công trình cấp II, nhóm B, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công.
Đáp án:
Tại điểm a khoản 2 Điều 13 Nghị định số 15/2021/NĐ - CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định “Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A; dự án nhóm B do người đứng đầu cơ quan trung ương, người đứng đầu tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (sau đây gọi là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước) quyết định đầu tư hoặc phân cấp , ủy quyền quyết định đầu tư ".
Do đó, các dự án đầu tư lưới điện 110kV (công trình cấp II), nhóm B của các Tổng công ty Điện lực được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư thi thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi các dự ăn là cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Công Thương ( Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo). Các dự án đầu tư lưới điện không thuộc phạm vi nêu trên thuộc trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Nội dung 5: Hành vi đưa bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì có thể bị xử phạt theo những quy định nào?
Đáp án:
Hành vi đưa hạng mục công trình hoặc công trình điện lực vào vận hành, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể bị xử phạt theo các quy định sau đây:
- Theo khoản 2, điểm b khoản 4 Điều 18 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng
“Điều 18. Vi phạm quy định về nghiệm thu công trình xây dựng
…..
2. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi đưa bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu theo quy định.
….
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
b) Buộc trong thời gian từ 01 tháng đến 03 tháng, chủ đầu tư phải tổ chức nghiệm thu bộ phận công trình, hạng mục công trình đã đưa vào sử dụng với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này”.
- Theo điểm đ khoản 4, điểm d khoản 5 Khoản 9 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 ) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:
“Điều 6. Vi phạm các quy định về xây dựng, lắp đặt công trình điện lực
……
4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
…..
đ) Đưa hạng mục công trình hoặc công trình điện lực vào vận hành, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
……
d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khoản lợi đối tượng vi phạm có được từ hoạt động phát điện để sung vào ngân sách nhà nước và buộc phải kiểm định chất lượng công trình đối với phân công trình hoặc toàn bộ công trình đã kết thúc thi công hoặc đã nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 4 Điều này”.