Căn cứ quy định của pháp luật, Anh (Chị) hãy trả lời và giải thích ngắn gọn các tình huống, khẳng định sau:
Nội dung 1:
Trong quá trình đánh giá E-HSDT của gói thầu A áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu qua mạng, khi tham gia dự thầu, Nhà thầu B đã kê khai các Hợp đồng tương tự; kinh nghiệm thi công các hạng mục chính trên Webform của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Căn cứ vào thông tin kê khai trên Webform và các tài liệu hợp đồng đính kèm, Bên mời thầu đã đánh giá các hợp đồng tương tự không đáp ứng yêu cầu của E-HSMT và kinh nghiệm thi công các hạng mục chủ chốt chưa rõ ràng về khối lượng và thời gian thực hiện nên bên mời thầu đã có văn bản yêu cầu nhà thầu làm rõ nội dung này.
Căn cứ kết quả đánh giá, Nhà thầu B đã có văn bản làm rõ gửi kèm bổ sung thêm các hợp đồng tương tự mới và các hợp đồng mới bổ sung về các hoạt động chủ chốt. Qua xem xét, đánh giá các hợp đồng mới do nhà thầu cung cấp bổ sung đáp ứng yêu cầu của E-HSMT và kinh nghiệm thi công các hoạt động chủ chốt đáp ứng yêu cầu của E-HSMT.
Trong trường hợp này, Bên mời thầu có được phép chấp nhận các hợp đồng bổ sung mới này không và có được phép đánh giá là nhà thầu đạt về hợp đồng tương tự và đạt về kinh nghiệm thi công các hoạt động chủ chốt không?
Đáp án:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu : “Sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của bên mời thầu. Trường hợp hồ sơ dự thầu của nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm. Đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính nêu trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, không thay đổi giá dự thầu.”
Bên mời thầu đã có văn bản yêu cầu Nhà thầu làm rõ và việc bổ sung các tài liệu hợp đồng tương tự mà nhà thầu đã thực hiện để chứng minh năng lực kinh nghiệm trong thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu không làm thay đổi bản chất của nhà thầu. Do vậy, Bên mời thầu được phép chấp nhận các hợp đồng bổ sung mới này.
Nội dung 2: Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cấp II quyết định mua sắm tài sản cố định có giá trị của một hợp đồng mua sắm tài sản cố định từ 150 tỷ đồng đến 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên Báo cáo tài chính quý hoặc Báo cáo tài chính năm của đơn vị tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định mua sắm tài sản cố định nhưng không vượt quá 250 tỷ đồng.
Đáp án:
Nhận định trên là Sai.
Theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 3 Quy chế quản lý Tài sản và Nguồn vốn trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 09/QĐ-HĐTV ngày 28/01/2022 của HĐTV EVN quy định về phân cấp quản lý tài chính của Hội đồng thành viên/Chủ tịch Công ty TNHH MTV cấp II, người đại diện của EVN và Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cấp II như sau:
“c) Hội đồng thành viên/Chủ tịch Công ty TNHH MTV cấp II, người đại diện của EVN quyết định hoặc biểu quyết thông qua mua sắm TSCĐ có giá trị của một hợp đồng mua sắm TSCĐ từ 150 tỷ đồng đến 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên Báo cáo tài chính quý hoặc Báo cáo tài chính năm của đơn vị tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định mua sắm TSCĐ nhưng không vượt quá 250 tỷ đồng.
d) Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cấp II quyết định mua sắm TSCĐ có giá trị của một hợp đồng mua sắm TSCĐ đến dưới 150 tỷ đồng.”
Nội dung 3: Gói thầu A do Công ty TNHH B là Bên mời thầu đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, Công ty B và nhà thầu trúng thầu đã ký kết Hợp đồng, thực hiện và hoàn thành công việc theo thỏa thuận, hiện đang thực hiện quyết toán theo quy định. Tháng 01/2022, một nhà báo thuộc Báo Y (không phải Báo Đấu thầu) liên hệ và trực tiếp đến trụ sở Công ty B, xuất trình thẻ nhà báo và yêu cầu Công ty B cung cấp các Hồ sơ dự thầu của các nhà thầu tham dự Gói thầu A với lý do cần làm rõ một số nghi ngờ về quá trình lựa chọn nhà thầu đối với Gói thầu A. Sau khi nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có quy định tại điểm c khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí năm 2016: “Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật”, Công ty B đã cung cấp toàn bộ các Hồ sơ dự thầu của tất cả các nhà thầu tham dự gói thầu trên cho nhà báo.
Anh (chị) có ý kiến như thế nào về việc Công ty B cung cấp toàn bộ các Hồ sơ dự thầu của tất cả các nhà thầu tham dự gói thầu trên cho nhà báo thuộc Báo Y?
Đáp án:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Đấu thầu năm 2013, hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo quy định tại khoản 6 và khoản 12 Điều 74 Luật Đấu thầu thì chủ đầu tư có trách nhiệm bảo mật các tài liệu liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện các quy định tại Điều này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu. Ngoài ra, trường hợp đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thì các thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu theo quy định tại Điều 8 Luật Đấu thầu. Đối với các thông tin về hồ sơ dự thầu của các nhà thầu, theo quy định của pháp luật đấu thầu, chỉ người có thẩm quyền, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu mới có quyền yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu cung cấp thông tin để phục vụ hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát và quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, trong trường hợp pháp luật có liên quan khác có quy định cụ thể về việc chủ đầu tư, bên mời thầu phải cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông (trong đó có thông tin về hồ sơ dự thầu của nhà thầu) thì chủ đầu tư, bên mời thầu phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật đó. Vì vậy, trong trường hợp này, do hồ sơ dự thầu có chứa đựng các thông tin riêng của nhà thầu như năng lực, kinh nghiệm, bí quyết kinh doanh, cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự,…nên trước khi cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông phải có sự đồng thuận của nhà thầu.
Nội dung 4: Theo quy định của pháp luật, hành vi đưa hạng mục công trình hoặc công trình điện lực vào vận hành, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì bị xử lý như thế nào?
Đáp án:
Theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ), hành vi đưa hạng mục công trình hoặc công trình điện lực vào vận hành, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Ngoài ra, hành vi này còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khoản lợi đối tượng vi phạm có được từ hoạt động phát điện để sung vào ngân sách nhà nước và buộc phải kiểm định chất lượng công trình đối với phân công trình hoặc toàn bộ công trình đã kết thúc thi công hoặc đã nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng.
Nội dung 5: Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, ngày 02/01/2022, Bên mời thầu X đã gửi thư qua đường bưu điện mời Nhà thầu Y là nhà thầu xếp hạng thứ nhất đến thương thảo hợp đồng. Thời gian nhà thầu nhận được thư mời thương thảo hợp đồng là ngày 03/01/2022 và thời gian yêu cầu nhà thầu có mặt để thương thảo là 9h00 ngày 18/01/2022. Tuy nhiên, Nhà thầu Y không đến tham dự theo thời gian và địa điểm nêu trong thư mời và cũng không có bất cứ phản hồi nào gửi Bên mời thầu X.
Trong trường hợp trên, Bên mời thầu có được quyền báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo hợp đồng được không hay phải tiếp tục gửi thư mời Nhà thầu Y đến thương thảo hợp đồng?
Đáp án:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 40 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, trường hợp thương thảo không thành công, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo; trường hợp thương thảo với các nhà thầu xếp hạng tiếp theo không thành công thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định hủy thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu.
Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định: “Nhà thầu xếp hạng thứ nhất được mời đến thương thảo hợp đồng. Trường hợp nhà thầu được mời đến thương thảo hợp đồng nhưng không đến thương thảo hoặc từ chối thương thảo hợp đồng thì nhà thầu sẽ không được nhận lại bảo đảm dự thầu.”
Trường hợp do trường hợp bất khả kháng dẫn đến nhà thầu không thể trực tiếp đến thương thảo hợp đồng thì bên mời thầu và nhà thầu có thể thực hiện thương thảo, đối chiếu hồ sơ qua mạng. Trường hợp nhà thầu không tiến hành thương thảo qua mạng hoặc đã hết sự kiện bất khả kháng mà nhà thầu vẫn không tiến hành thương thảo hoặc từ chối tiến hành thương thảo hợp đồng thì nhà thầu sẽ không được hoàn trả giá trị bảo đảm dự thầu.
Bên mời thầu X có thể báo cáo chủ đầu tư xem xét, mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo hợp đồng theo quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 19 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.