(Từ ngày 07/02/2022 đến ngày 20/02/2022)
Căn cứ quy định của pháp luật, Anh (Chị) hãy trả lời và giải thích ngắn gọn các tình huống, khẳng định sau:
Nội dung 1: Nêu quy định của pháp luật về Chính sách phát triển điện lực kể từ ngày 01/3/2022?
Đáp án:
Căn cứ Điều 4 Luật Điện lực năm 2012, khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự năm 2022, kể từ ngày 03/01/2022, quy định về Chính sách phát triển điện lực như sau:
- Phát triển điện lực bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia.
- Ưu tiên phát triển điện phục vụ nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
- Xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực.
- Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng.
- Nhà nước độc quyền trong các hoạt động sau đây: Điều độ hệ thống điện quốc gia; Xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; Vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.
- Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong hoạt động điện lực, sử dụng điện nhằm tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường; khuyến khích nghiên cứu, phát triển, sản xuất và sử dụng thiết bị hiện đại phục vụ yêu cầu phát triển điện lực.
- Đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện; có chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo
Nội dung 2: Các hạng mục công trình A thuộc Dự án B đã được các cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Trong quá trình thực hiện Dự án B, Chủ đầu tư đã lập bản vẽ thi công và tiến hành thi công xây dựng các hạng mục công trình, trong đó có một số hạng mục công trình có thiết kế bản vẽ thi công và thi công khác với thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt. Các sai khác này không được Chủ đầu tư báo cáo cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục điều chỉnh trước khi duyệt thiết kế bản vẽ thi công và thi công. Hiện nay, các hạng mục có sai khác giữa thiết kế bản vẽ thi công và thiết kế kỹ thuật đã thi công xong và chủ đầu tư lập thiết kế kỹ thuật điều chỉnh trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định làm cơ sở phê duyệt.
Đáp án:
Căn cứ quy định của pháp luật, các hạng mục có thiết kế bản vẽ thi công không phù hợp với thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt nêu trên và đã được thi công xong thì chủ đầu tư có đưọc thực hiện điều chỉnh thiết kế xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh hay không?
Việc điều chỉnh thiết kế xây dựng đã được thẩm định, phê duyệt và tổ chức thi công xây dựng theo thiết kế điều chỉnh mà không thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế điều chỉnh trong trường hợp có yêu cầu thẩm định điều chỉnh là hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng, phải được xử phạt và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở và tại Nghị định số 21/2020/NĐ-CP ngày 17/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.
Sau khi hoàn thành thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh thiết kế xây dựng và trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh theo quy định.
Nội dung 3: Theo quy định tại khoản 29 Điều 89 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ sửa đổi bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020, quy định đối với hồ sơ mời sơ tuyển được phát hành trước ngày 20/4/2020, trường hợp có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển, dự án được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư tiếp theo được thực hiện theo quy định tại Chương VI Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.
Điểm b khoản 1 Điều 76 Mục 2 Chương VI Nghị định số 30/2015/NĐ-CP, quy định nội dung hồ sơ yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Nghị định này, không cần quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và yêu cầu nhà đầu tư cập nhật thông tin về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá hồ sơ đề xuất theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 58 Nghị định này, không cần so sánh, xếp hạng nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về tài chính - thương mại. Điểm b khoản 2 Điều 57 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm các tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm đối với trường hợp không áp dụng sơ tuyển (trường hợp áp dụng sơ tuyển không cần quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư song cần yêu cầu nhà đầu tư cập nhật thông tin về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư); tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, tài chính - thương mại và phương pháp đánh giá các nội dung này.
Theo đó, việc Tổ chuyên gia có được áp dụng điểm b khoản 2 Điều 57 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP và điểm b khoản 1 Điều 76 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP để không đánh giá lại năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư không?
Đ
á
p án:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 90 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 29 Điều 89 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP) và điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT, đối với hồ sơ mời sơ tuyển phát hành theo quy định của Nghị định số 30/2015/NĐ-CP và chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển, dự án được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP. Nội dung hồ sơ yêu cầu được xây dựng theo quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP, Thông tư hướng dẫn Nghị định số 30/2015/NĐ-CP và quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư, xây dựng có hiệu lực tại thời điểm phê duyệt hồ sơ yêu cầu.
Đồng thời, theo quy định của khoản 3 Điều 3 Thông tư số 16/2016/TT-BKHĐT ngày 16/12/2016, đối với dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP, hồ sơ yêu cầu được lập trên cơ sở vận dụng Mẫu số 02, không bao gồm nội dung về tiêu chuẩn đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và việc so sánh, xếp hạng nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về tài chính - thương mại nhưng cần quy định nội dung yêu cầu nhà đầu tư cập nhật thông tin về năng lực, kinh nghiệm.
Theo đó, hồ sơ yêu cầu đối với dự án chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển theo quy định của Nghị định số 30/2015/NĐ-CP được lập căn cứ quy định nêu trên. Trong trường hợp này, việc đánh giá hồ sơ đề xuất thực hiện căn cứ hồ sơ yêu cầu đã được lập, phê duyệt và phát hành đúng quy định.
Nội dung 4: Trình bày quy định về cơ quan, người có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 01/3/2022?
Trả lời:
Căn cứ khoản 1 Điều 11 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự năm 2022, kể từ ngày 03/01/2022, đối với dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 01/3/2022 thì cơ quan, người có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư bao gồm:
- Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài do cơ quan, tổ chức mình quản lý, trừ dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ.
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài do địa phương quản lý, trừ dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ.
Nội dung 5: Dự án đầu tư C được thiết kế 2 bước bao gồm: Báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế bản vẽ thi công. Trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chủ đầu tư đã cho tiến hành khảo sát xây dựng: Khảo sát địa hình (đo lưới khống chế mặt bằng, đường chuyền cấp II, địa hình cấp III; đo lưới khống chế độ cao, thủy chuẩn kỹ thuật, địa hình cấp III; đo vẽ chi tiết bản đồ địa hình trên cạn; bản đồ tỷ lệ 1/1.000, đường đồng mức 1m, cấp địa hình III) để phục vụ luôn cho 2 bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế bản vẽ thi công (đã được chủ đầu tư nghiệm thu hồ sơ khảo sát trong năm 2015). Tuy nhiên do dự án kéo dài đến năm 2022 mới tiến hành triển khai thiết kế bản vẽ thi công, do một số mốc đo đường chuyền cấp I, cấp 2II bị mất (khoảng 70%) và thời gian khảo sát trước đã quá 5 năm nên Đơn vị tư vấn thiết kế đề nghị phải tiến hành khảo sát xây dựng lại 70% khối lượng đã bị mất (gồm các công việc: Đo lưới khống chế mặt bằng, đường chuyền cấp II, địa hình cấp III; đo lưới khống chế độ cao, thủy chuẩn kỹ thuật, địa hình cấp III; đo vẽ chi tiết bản đồ địa hình trên cạn; bản đồ tỷ lệ 1/1.000, đường đồng mức 1m, cấp địa hình III). Theo quy định của pháp luật, Đơn vị tư vấn đề nghị như vậy có phù hợp không?
Đáp án:
Theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 26 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, nhiệm vụ khảo sát xây dựng được sửa đổi, bổ sung trong quá trình thiết kế, nhà thầu thiết kế phát hiện nhiệm vụ khảo sát xây dựng, báo cáo khảo sát xây dựng không đáp ứng yêu cầu thiết kế
Do vậy, nhà thầu thiết kế cần báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định.
Nội dung 6: Theo hướng dẫn quy định của EVN, đối với đấu thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thì tại bước thương thảo hợp đồng, Bên mời thầu chịu trách nhiệm kiểm tra đối chiếu giữa hồ sơ, tài liệu nhà thầu kê khai/nộp trên mạng và bản giấy nộp trực tiếp (bản gốc hoặc bản sao chứng thực theo quy định). Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh tình huống như sau: Đối với vật tư thiết bị có xuất xứ từ nước ngoài thì bản gốc của Biên bản thí nghiệm đang được lưu giữ tại nước ngoài 01 bản gốc duy nhất nên nhà sản xuất/đại lý tại Việt Nam không thể cung cấp bản gốc Biên bản thí nghiệm hoặc bản sao chứng thực theo quy định cho các nhà thầu. Do đó, các nhà thầu chỉ nhận được File scan từ nhà sản xuất/đại lý tại Việt Nam để nộp tham dự thầu trên Hệ thống mạng. Do đó, các nhà thầu không thể cung cấp bản gốc hoặc bản sao chứng thực theo quy định cho Bên mời thầu để thực hiện việc đối chiếu khi Bên mời thầu yêu cầu nộp bản giấy.
Anh chị hãy đưa ra quan điểm xử lý trong tình huống nêu trên.
Đáp án:
Trong trường hợp các nhà thầu không thể cung cấp bản gốc hoặc bản sao chứng thực theo quy định cho Bên mời thầu để thực hiện việc đối chiếu khi Bên mời thầu yêu cầu nộp bản giấy, Bên mời thầu xử lý như sau:
- Yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu theo quy định cần phải đưa vào trong Hồ sơ mời thầu để nhà thầu tham dự thầu biết và chuẩn bị Hồ sơ dự thầu.
- Trường hợp Biên bản thí nghiệm điển hình của hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài mà Nhà sản xuất có lý do không thể nộp bản gốc hoặc bản sao chứng thực theo quy định khi tham dự thầu thì trong Hồ sơ dự thầu nhà thầu phải cung cấp văn bản của Nhà sản xuất xác nhận tài liệu dự thầu là bản sao chụp từ bản gốc và Nhà sản xuất cam kết sẵn sàng làm việc với Chủ đầu tư/Bên mời thầu để xác minh tài liệu nếu được đại diện hợp pháp của Chủ đầu tư/Bên mời thầu yêu cầu.
- Trường hợp phát hiện có sự gian lận trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu thì nhà thầu sẽ phải bị xử lý cấm tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 122 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Nội dung này cần được quy định rõ và đưa vào trong Hồ sơ mời thầu để thực hiện.
Theo: Ban pháp chế EVN