(Từ ngày 24/01/2022 đến ngày 06/02/2022)
Căn cứ quy định của pháp luật, các Quy chế quản lý nội bộ của EVN, Anh (Chị) hãy trả lời và giải thích ngắn gọn các tình huống, khẳng định sau:
Nội dung 1: Theo khoản 3 Điều 35 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định: “Trong quá trình thẩm định, chủ đầu tư hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp tham gia thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở”.
Theo khoản 5 Điều 35 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định: "Chủ đầu tư có trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng, văn bản của các cơ quan tổ chức có liên quan để làm cơ sở phê duyệt thiết kế. Kết quả thẩm định và phê duyệt của chủ đầu tư được thể hiện tại Quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng theo quy định tại Mẫu số 07 Phụ lục I Nghị định này".
Hỏi, Chủ đầu tư có các cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp tham gia thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở thì thủ tục, quy trình và các yêu cầu pháp lý liên quan để chủ đầu tư thành lập tổ thẩm định này như thế nào? Theo yêu cầu của Mục 5 Điều 35 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP thì chủ đầu tư chỉ cần phê duyệt thiết kế theo Mẫu số 07 Phụ lục I Nghị định số 15/2021/NĐ-CP hay cần bổ sung Mẫu số 06 trong Phụ lục I Nghị định số 15/2021/NĐ-CP?
Chủ đầu tư đã thuê đơn vị tư vấn thẩm tra tham gia quá trình kiểm tra hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và chủ đầu tư không đủ chuyên môn xây dựng. Trường hợp này chủ đầu tư có phải thuê thêm đơn vị độc lập thẩm định hồ sơ do tư vấn thẩm tra kiểm tra hồ sơ này hay không?
Đáp án:
Pháp luật về xây dựng hiện hành không quy định, hướng dẫn việc thành lập tổ thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của chủ đầu tư.
Quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo Mẫu số 07 Phụ lục I của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, theo đó căn cứ phê duyệt bao gồm kết quả thẩm định của chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư tự thẩm định (dự án sử dụng vốn khác), chủ đầu tư có thể tích hợp kết quả thẩm định cùng quyết định phê duyệt theo Mẫu số 07 nêu trên.
Khoản 6 Điều 82 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng năm 2020 quy định: “Công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng thẩm tra thiết kế xây dựng về nội dung an toàn công trình, sự tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho việc thẩm định”.
Khoản 3 Điều 35 của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định: “Trong quá trình thẩm định, chủ đầu tư hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp tham gia thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.”
Theo đó, liên quan đến việc thẩm tra, việc mời tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở cần thực hiện theo quy định nêu trên.
Nội dung 2: Tại Khoản 7 Điều 5 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu quy định: “Đối với từng gói thầu cụ thể, căn cứ quy mô, tính chất gói thầu, chủ đầu tư quy định loại hợp đồng áp dụng cho phù hợp để làm căn cứ lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; ký kết hợp đồng. Một gói thầu có thể được thực hiện theo một hoặc nhiều hợp đồng; trong một hợp đồng có thể áp dụng một hoặc nhiều loại hợp đồng quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản này. Trường hợp áp dụng nhiều loại hợp đồng thì phải quy định rõ loại hợp đồng tương ứng với từng nội dung công việc cụ thể. Trường hợp gói thầu áp dụng loại hợp đồng trọn gói thì trong tờ trình chủ đầu tư không cần giải thích lý do áp dụng”.
Hỏi, trường hợp gói thầu được phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu chỉ định thầu rút gọn, áp dụng loại hợp đồng trọn gói thì Bên mời thầu có được ký hợp đồng với nhiều nhà thầu khác nhau không? (Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 không có nhà thầu nào đáp ứng đủ số lượng theo yêu cầu của gói thầu). ?
Đáp án:
Khoản 22 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định: “Gói thầu là một phần hoặc toàn bộ dự án, dự toán mua sắm; gói thầu có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần, khối lượng mua sắm cho một thời kỳ đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung”.
Khoản 2 Điều 65 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định: “Một gói thầu có thể được thực hiện theo một hoặc nhiều hợp đồng; trong một hợp đồng có thể áp dụng một hoặc nhiều loại hợp đồng quy định tại Điều 62 của Luật Đấu thầu. Trường hợp áp dụng nhiều loại hợp đồng thì phải quy định rõ loại hợp đồng tương ứng với từng nội dung công việc cụ thể.”
Khoản 1, Khoản 2 Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định:
“Điều 22. Chỉ định thầu
1. Chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;
b) Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo;
c) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền sở hữu trí tuệ;
d) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng được chỉ định cho tác giả của thiết kế kiến trúc công trình trúng tuyển hoặc được tuyển chọn khi tác giả có đủ điều kiện năng lực theo quy định; gói thầu thi công xây dựng tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến thi công công trình;
đ) Gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; gói thầu rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình;
e) Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
2. Việc thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Có quyết định đầu tư được phê duyệt, trừ gói thầu tư vấn chuẩn bị dự án;
b) Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
c) Đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu;
d) Có dự toán được phê duyệt theo quy định, trừ trường hợp đối với gói thầu EP, EC, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay;
đ) Có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày;
e) Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.”
Theo đó, trường hợp gói thầu không chia phần và thuộc trường hợp chỉ định thầu nêu tại khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu, đồng thời đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 Điều 22 Luật Đấu thầu thì chủ đầu tư chỉ được chỉ định thầu cho một nhà thầu và ký kết một hợp đồng tương ứng. Nếu nhà thầu không đủ năng lực cung ứng hàng hóa thì chủ đầu tư, bên mời thầu cần xem xét lại cách phân chia gói thầu với quy mô hợp lý.
Nội dung 3: Nêu quy định của EVN về quy trình huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà đầu tư tài trợ nước ngoài?
Đáp án:
Theo Điều 10 Quy chế huy động vốn, chuyển nợ vay và bảo lãnh vay vốn trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 153/QĐ-HĐTV ngày 31/12/2021 của EVN quy định:
“Điều 10. Quy trình huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
Lập danh mục dự án/tiểu dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
a) Tháng 7 hàng năm, dựa theo nhu cầu của Đơn vị mình, EVN và các Công ty TNHH MTV cấp II, Người đại diện phần vốn của EVN tại các Công ty do EVN năm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc nắm giữ quyền chi phối khác theo quy định của pháp luật tổng hợp danh mục các dự án/tiểu dự án dự kiến sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong giai đoạn 03 năm tới. Sau khi tổng hợp nhu cầu từ các Đơn vị, Tổng giám đốc EVN báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.
b) Danh mục dự án/tiểu dự án phải được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tiến độ thực hiện.
c) Hàng năm, các Đơn vị chủ động cập nhật danh mục dự án/tiểu dự án hoặc báo cáo EVN ngay khi có sự thay đổi danh mục hoặc thứ tự ưu tiên thực hiện của các dự án, đồng thời chủ động đề xuất các Chương trình, dự án/tiểu dự án thay thế, bổ sung.
Tiêu chí lựa chọn dự án/tiểu dự án sử dụng vốn ODA/ưu đãi nước ngoài
Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư của EVN và từng Đơn vị;
Bảo đảm hiệu quả và bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường;
Thỏa mãn các tiêu chí của Nhà tài trợ.
Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình, dự án/tiểu dự án
Trên cơ sở danh mục các dự án/tiểu dự án mà Đơn vị đề xuất, căn cứ vào khả năng vận động, tính sẵn sàng và tính chất của nguồn vốn và các tiêu chí lựa chọn dự án của Nhà tài trợ, Tổng giám đốc EVN chỉ đạo tổng hợp danh mục dự án/tiểu dự án phù hợp của các Đơn vị để gửi cho Nhà tài trợ.
Sau khi có ý kiến của Nhà tài trợ về danh mục và giá trị vốn vay dự kiến, các Đơn vị xây dựng Đề xuất chương trình, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu cần thiết), Chủ trương đầu tư, Văn kiện Chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trình Hội đồng thành viên EVN thông qua và trình duyệt các cấp có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Đề xuất Chương trình, dự án sử dụng vốn ODA/ưu đãi nước ngoài phải có nội dung về cơ chế tài chính trong nước đối với Chương trình, dự án và phương thức cho vay lại để Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Các Đơn vị chủ động phối hợp với Cơ quan được ủy quyền cho vay lại để thực hiện các thủ tục chuẩn bị và thẩm định các dự án/tiểu dự án để tiết kiệm thời gian triển khai dự án sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính.
Ký kết các Hiệp định vay ODA/ưu đãi nước ngoài và Hợp đồng cho vay lại
Sau khi hiệp định vay ODA/ưu đãi nước ngoài được ký kết, Đơn vị có trách nhiệm làm việc với Cơ quan được ủy quyền cho vay lại để ký Hợp đồng cho vay lại vốn vay ODA/ưu đãi nước ngoài cho Chương trình, dự án.
Thỏa thuận tại Hợp đồng cho vay lại phải phù hợp với Hiệp định vay ODA/ưu đãi nước ngoài, cơ chế tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Hợp đồng ủy quyền cho vay lại ký giữa Bộ Tài chính và Cơ quan được ủy quyền cho vay lại.”
Nội dung 4: Công ty A có trụ sở tại tỉnh X, trong năm 2021 Công ty này có ký hợp đồng thầu phụ thi công lắp đặt giàn giáo cho công trình tại tỉnh Y (Nhà thầu chính có trụ sở tại tỉnh Y) giá trị hợp đồng bao gồm VAT là 1,5 tỷ đồng. Công ty A nghiệm thu và xuất hóa đơn theo từng hạng mục công trình. Vậy Công ty A có phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế GTGT đối với doanh thu từ hoạt động kinh doanh vãng lai ngoại tỉnh không?
Đáp án:
Theo Danh mục nhóm ngành hoạt động xây dựng chuyên dụng khác tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam: "Hoạt động xây dựng chuyên biệt sử dụng trong tất cả các kết cấu công trình nhưng yêu cầu phải có kỹ thuật riêng chuyên sâu hoặc phải có thiết bị chuyên môn hóa" bao gồm "Lắp đặt và dỡ bỏ cốt pha, dàn giáo, loại trừ hoạt động thuê cốt pha, dàn giáo".
Theo điểm đ khoản 1 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ(được sửa dổi, bổ sung bởi Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính) quy định:
“
…
đ) Trường hợp người nộp thuế có hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh mà giá trị công trình xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh bao gồm cả thuế GTGT từ 1 tỷ đồng trở lên, và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính (sau đây gọi là kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh) thì người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý tại địa phương có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh.
…
6. Khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh không thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm c khoản 1 Điều này.
a) Người nộp thuế kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh thì khai thuế giá trị gia tăng tạm tính theo tỷ lệ 2% đối với hàng hoá chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% hoặc theo tỷ lệ 1% đối với hàng hoá chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% trên doanh thu hàng hoá chưa có thuế giá trị gia tăng với cơ quan Thuế quản lý địa phương nơi có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh.
b) Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh là Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo mẫu số 05/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
c) Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh được nộp theo từng lần phát sinh doanh thu. Trường hợp phát sinh nhiều lần nộp hồ sơ khai thuế trong một tháng thì người nộp thuế có thể đăng ký với Cơ quan thuế nơi nộp hồ sơ khai thuế để nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng.
d) Khi khai thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp, người nộp thuế phải tổng hợp doanh thu phát sinh và số thuế giá trị gia tăng đã nộp của doanh thu kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh trong hồ sơ khai thuế tại trụ sở chính. Số thuế đã nộp (theo chứng từ nộp tiền thuế) của doanh thu kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh được trừ vào số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo tờ khai thuế giá trị gia tăng của người nộp thuế tại trụ sở chính.”
Theo đó, đối với trường hợp Công ty A có trụ sở tại tỉnh X có hợp đồng lắp đặt giàn giáo cho công trình tại tỉnh Y thì Công ty A thuộc trường hợp phải khai thuế và nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế GTGT đối với doanh thu thực nhận từ hợp đồng lắp đặt vãng lai ngoại tỉnh nêu trên với cơ quan thuế có liên quan tại tỉnh Y.
Nội dung 5: Nêu các trường hợp tài sản của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng khi đăng ký lại quyền sở hữu, sử dụng được miễn nộp lệ phí trước bạ kể từ ngày 01/3/2022?
Đáp án:
Khoản 16 Điều 10 Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ quy định:
“Tài sản của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng khi đăng ký lại quyền sở hữu, sử dụng được miễn nộp lệ phí trước bạ trong những trường hợp sau đây:
a) Tài sản đã được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng nay đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng mới mà không thay đổi chủ sở hữu tài sản.
b) Tài sản của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được cổ phần hóa thành công ty cổ phần hoặc các hình thức sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
c) Tài sản đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng chung của hộ gia đình hoặc của các thành viên gia đình khi phân chia tài sản đó theo quy định của pháp luật cho các thành viên gia đình đăng ký lại; tài sản hợp nhất của vợ chồng sau khi kết hôn; tài sản phân chia cho vợ, chồng khi ly hôn theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
d) Tài sản của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng khi được cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản do giấy chứng nhận bị mất, rách nát, ố, nhòe, hư hỏng. Tổ chức, cá nhân không phải kê khai, làm thủ tục miễn lệ phí trước bạ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp này.
đ) Trường hợp khi cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phát sinh chênh lệch diện tích đất tăng thêm nhưng ranh giới của thửa đất không thay đổi thì được miễn nộp lệ phí trước bạ đối với phần diện tích đất tăng thêm.
e) Tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phải chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của Luật Đất đai từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
g) Trường hợp khi đăng ký lại quyền sử dụng đất do được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không thay đổi người có quyền sử dụng đất và không thuộc đối tượng phải nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất”.
Theo: Ban pháp chế EVN