Quản lý đất đai nhìn từ hoạt động đấu giá đất: Ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý
Đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng và có giới hạn, do đó cần có các công cụ vận hành hệ thống quản lý đất đai dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên này nhằm tạo ra một xã hội ổn định và thịnh vượng, trong đó, chú trọng ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất.
Theo PSG.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT, thực tế, khoảng 80% quyết định về các lĩnh vực kinh tế, chính trị hay xã hội của các cơ quan quản lý Nhà nước đều cần tới những thông tin có yếu tố vị trí địa lý hay thông tin về không gian. Khi công nghệ thông tin chưa phát triển, việc cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác những thông tin này phục vụ quá trình ra quyết định là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý về đất đai.
Nguyên nhân chính gây ra hạn chế về năng lực thực thi ở các cơ quan quản lý đất đai là do các cơ quan này chưa có đủ năng lực và các công cụ cần thiết để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là năng lực và các công cụ để vận hành hệ thống quản lý đất đai dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Hạ tầng thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia là yếu tố cốt lõi để hỗ trợ vận hành công tác chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính cũng như phục vụ cho việc phối, kết hợp với các bên có liên quan.
Theo đó, để đổi mới hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý đất đai ở Việt Nam, mô hình tổ chức bộ máy quản lý đất đai trong thời gian tới cần được tổ chức theo mô hình quản lýthống nhất từ Trung ương tới địa phương,dựa trên ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất theo 3 nội dung chính của công tác quản lý Nhà nước về đất đai là quản lý cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý giá đất và quản lý quy hoạch sử dụng đất.
Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai là công cụ giúp Chính phủ kiểm soát tốt nhất tài nguyên đất, cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân, mở rộng khả năng tiếp cận đất đai cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm đói nghèo, giúp tăng GDP theo đầu người và GDP cho cả nước.
Hệ thống này giúp hoàn thiện được cơ chế công khai, chia sẻ thông tin về tình trạng pháp lý của thửa đất, tình trạng giao dịch, giá, quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất và tài sản trên đất giúp xây dựng Chính phủ liêm chính theo định hướng của Đảng và Nhà nước, từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đem lại các hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tăng nguồn thu ngân sách quốc gia, giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và thúc đẩy thực hiện các giao dịch về đất đai, cải thiện lòng tin của người dân đối với chính quyền, sự tín nhiệm, quyết định đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo công bằng xã hội cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nghèo.
Hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia được quản lý thống nhất, tập trung đảm bảo đồng bộ, thống nhất, chính xác, tin cậy, bảo mật thông tin để có thể chia sẻ sử dụng cho nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người nước ngoài để cùng khai thác và sử dụng. Ở một số nước phát triển, Hệ thống thông tin đất đai được chia sẻ và sử dụng cho hoạt động quản lý điều hành đất nước và của doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực.
Thùy An
Nguyễn Văn Tín – Phòng BT-GPMB (Sưu tầm).
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/quan-ly-dat-dai-nhin-tu-hoat-dong-dau-gia-dat-ung-dung-chuyen-doi-so-vao-quan-ly-336835.html.