Phần 2-Tổng hợp các câu hỏi thường gặp trong Hướng dẫn Chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
(tiếp theo)
11. Chuyển đổi số thường diễn ra trong bao nhiêu lâu và có dẫn đến rủi ro khinhân sự không đáp ứng hoặc dư thừa sau chuyển đổi số và phải cho nghỉ không?
Chuyển đổi số toàn diện có thể mất từ 3 tới 5 năm hoặc lâu hơn nữa. Có nhiều doanh nghiệp đã có sẵn, ứng dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin hoặc làm một phần trước khi có các chương trình chuyển đổi số thì có thể nhanh hơn. Thời gian để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số một phần nhanh hay chậm phụ thuộc vào khả năng đáp ứng về mặt công nghệ, cơ sở hạ tầng, khả năng tài chính và ưu tiên của doanh nghiệp. Chuyển đổi số sẽ dẫn tới nhiều thay đổi, bao gồm cả nhân sự; nhưng đây là yêu cầu tất yếu, cũng giống như hầu hết mọi người học sử
dụng các phần mềm trên điện thoại di động, hầu hết mọi người có thể tiếp nhận nếu có ý thức. Khi chuyển đổi số, có thể một số bộ phận sẽ trở nên tinh gọn hơn, doanh nghiệp cần bố trí các công việc mới cho một số nguồn lực dư thừa.
12. Doanh nghiệp cần chuẩn bị nhân lực như thế nào để triển khai chuyển đổi số?
Có nhiều mô thức, cách thức triển khai chuyển đổi số khác nhau (đồng bộ, một phần, theo các dự án sáng tạo, v.v.) với các mục tiêu khác nhau. Từ đó dẫn tới khối lượng công việc khác nhau. Căn cứ trên khối lượng, lộ trình, doanh nghiệp quyết định về nhân sự theo 03 hướng: Thuê, tự thực hiện hoặc kết hợp. Doanh nghiệp có thể thuê chuyên gia hoặc thuê doanh nghiệp để hỗ trợ. Ở qui mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp nên thuê cố vấn và sau đó đào tạo nhân sự hoặc tuyển dụng nhân sự phụ trách và tự thực hiện. Nếu thời gian rút ngắn, doanh nghiệp nên thuê tư vấn triển khai song song, đồng thời tuyển dụng nhân sự để tiếp quản. Tối hiểu doanh nghiệp cần 02 người (một là lãnh đạo và một là chuyên viên phụ trách toàn thời gian) để bắt đầu việc lập kế hoạch chuyển đổi số. Khi triển khai các dự án thì lấy thêm nhân sự của các bộ phần chuyên môn và tuyển bổ sung ở mức hạn chế nhân sự chuyên trách. Doanh nghiệp cũng có thể lập hẳn những bộ phận, đội ngũ mới thực hiện và vận hành các dự án nếu có tính khác biệt lớn và cần chuyên trách thực hiện vận hành về sau.
13. Kinh doanh trực tuyến phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ năng, nguồn lực. Một bộ máy như thế nào là phù hợp cho quy mô nhỏ và chi phí khoảng bao nhiêu?
Doanh nghiệp sẽ cần một bộ máy tối thiểu bao gồm: 2 – 3 nhân viên Marketing (thiết kế, viết nội dung, chạy quảng cáo, làm tối ưu website theo các công cụ tìm kiếm – SEO); 2 – 3 tư vấn bán hàng (trực, chat, tiếp nhận và xử lý đơn hàng), nên có các nhân viên khác nhau trên các kênh, loại khác nhau (sàn TMĐT, website, facebook, v.v.); nhân viên kho và giao nhận (nhập hàng, bố trí kho, quản trị số lượng, xuất hàng và quản lý giao nhận); nhân viên chăm sóc khách hàng (chăm sóc và bán tiếp). Một đội ngũ ở qui mô nhỏ cho doanh nghiệp thường từ 7 – 10 người với khả năng mang lại doanh thu trung bình từ 2 – 3 tỷ / tháng (với các loại hàng hóa thông dụng, giá trị đơn hàng từ 300.000 – 500.000, mỗi ngày 20 – 40 đơn hàng). Chi phí nhân sự ước tính khoảng 10 triệu / người (trung bình).
14. Các nhà cung cấp phần mềm dưới dạng cho thuê có đáng tin cậy không, dữ liệu có dễ bị đánh cắp không?
Về lý thuyết, khi dữ liệu được lưu trữ trên các hệ thống bên ngoài doanh nghiệp thì hoàn toàn có thể bị mất thông tin (leak). Vì vậy, doanh nghiệp nên lựa chọn các nhà cung cấp uy tín, có doanh thu kinh doanh chính từ phí sử dụng phần mềm; phần mềm đặt tại các Trung tâm dữ liệu có tiêu chuẩn tốt; có đầy đủ các qui trình sao lưu, dự phòng và có các tiêu chuẩn về an toàn thông tin (ví dụ: ISO:27001). Hiện nay nhà nước đã có nhiều qui định và tiếp tục sẽ có các qui định về bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, do vậy các doanh nghiệp cung cấp phần mềm cần phải đáp ứng nên sẽ có nhiều sự đảm bảo hơn.
15. Các phần mềm mã nguồn mở có đảm bảo tính an toàn không?
Các phần mềm mã nguồn mở rất phổ biến và trong các phần mềm mã đóng cũng có thể có các đoạn mã từ phần mềm mã nguồn mở. Các phần mềm mã mở gặp rủi ro là vì nó hoàn toàn mở, ai cũng có thể xem các đoạn mã được viết như thế nào. Đây vừa là rủi ro, vừa là lợi thế. Vì khi mở thì các lỗ hổng có thể được nhiều người phát hiện và do đó nhanh chóng được cập nhật. Về lâu, dài các mã mở sẽ giảm được nhiều lỗ hổng. Việc bảo mật hệ thống không chỉ là vấn đề của các mã nguồn mà vấn đề lớn nằm ở việc quản trị bao gồm quản trị hệ thống mạng, hệ thống dữ
liệu, hệ điều hành, v.v. và chính những người trong nội bộ công ty. Vì vậy, nhìn chung mã nguồn mở không đáng lo ngại, nếu cẩn thận, doanh nghiệp có thể chờ thêm thời gian khi các phiên bản mã nguồn mở đã được phát hành đủ lâu (6 tháng, 1 năm) hoặc sử dụng các phiên bản đã trở nên thông dụng và tốt nhất, có thể tham khảo thêm các thông tin và chuyên gia.
16. Tầm quan trọng của chính sách bảo mật là gì?
Các công ty sản xuất ngày càng tự động hóa và kết nối nhiều hơn, các thiết bị và máy móc đang tạo ra một lượng lớn dữ liệu cho phép họ tối ưu hóa hoạt động và tăng hiệu quả, nhưng sự kết nối này cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nếu không được quản lý đúng cách. Các báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng tin tặc về an ninh mạng không chỉ nhắm vào IT (Công nghệ thông tin) mà còn cả OT (Công nghệ Vận hành/Nghiệp vụ), thứ trọng yếu cho cho sự sẵn có, việc sản xuất và sự an toàn của cơ sở hạ tầng quan trọng.
17. Việc tích hợp hệ thống phần mềm cung cấp bởi các nhà cung cấp khác nhau có khó khăn không, chi phí có lớn không?
Việc tích hợp các phần mềm là việc không dễ dàng và thường đòi hỏi việc tùy biến, sửa chữa phần mềm cần tích hợp để bổ sung các giao thức “bắt tay” với nhau. Có rất nhiều loại phần mềm khác nhau, được cung cấp bởi hàng trăm nhà cung cấp, theo các công nghệ khác nhau, vì vậy, không phải các phần mềm có thể tương thích với nhau ngay từ khi mua, chỉ một số ít các phần mềm nổi tiếng, phổ biến thì các nhà cung cấp đã “bắt tay” sẵn với nhau. Tuy nhiên, theo xu hướng, dần dần các nhà cung cấp sẽ tích hợp với nhau theo các chuẩn để tiện lợi hơn cho người
sử dụng và sẽ cần nhiều thời gian cho việc ấy. Với nhiều nhà cung cấp phần mềm dạng cho thuê, giá rẻ thì việc tích hợp theo từng yêu cầu của khách hàng là khó khăn cả về vấn đề kỹ thuật lẫn kinh tế. Việc tích hợp phổ thông nhất là việc sử dụng các file dữ liệu xuất ra từ một hệ thống (ví dụ file excel, csv, v.v.) và nhập (import) lại vào hệ thống khác theo một mẫu chuẩn mà hai hệ thống đã thống nhất hoặc chỉnh sửa file bằng tay (ví dụ trên phần mềm excel) hoặc trên phần mềm của nhà cung cấp nếu có hỗ trợ. Một cách khác cho việc tích hợp là sử dụng các phần
mềm RPA (robotics process automation) để tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại, bao gồm việc xuất các file dữ liệu và import vào các hệ thống. Việc tích hợp mức “ứng dụng” mà hai phần mềm tự động với nhau vì vậy thường khá tốn chi phí.
18. Doanh nghiệp nên sử dụng công cụ phân tích nào để hiểu rõ hơn về dữ liệu của mình?
Trực quan hóa là một phần quan trọng của quy trình và cho phép dữ liệu thô được biểu diễn bằng hình ảnh cho phép ra quyết định dễ dàng hơn. Các công cụ trực quan hóa dữ liệu phải cung cấp khả năng xử lý nhiều loại dữ liệu đi vào, áp dụng các bộ lọc khác nhau, điều chỉnh kết quả và tương tác với các tập dữ liệu.
19. Doanh nghiệp có nên triển khai hệ thống trên các nền tảng điện toán đám mây hay không hay chỉ đơn giản nên thuê máy chủ cloud, máy chủ ảo, đặt máy chủ trong các trung tâm dữ liệu?
Đại đa số các trường hợp doanh nghiệp được khuyên là nên. Việc triển khai trên nền điện toán đám mây (cloud) giúp việc mở rộng khả năng xử lý rất linh hoạt và do đó tối ưu chi phí. Ví dụ, thông thường doanh nghiệp chỉ có 100 đơn hàng / ngày, nhưng tại những thời điểm có các chiến dịch kinh doanh, số lượng có thể đạt tới hàng chục lần, năng lực tính toán cũng đòi hỏi tăng lên tương ứng, hạ tầng máy chủ cần phải nâng lên. Nếu đầu tư, doanh nghiệp phải đầu tư máy chủ lớn ngay từ đầu; nếu thuê trên nền công nghệ điện toán đám mây, doanh nghiệp có thể thuê
qui mô nhỏ, khi cần thì tăng qui mô lên một cách nhanh chóng, dễ dàng mà không làm thay đổi, ảnh hưởng các hoạt động. Thêm vào đó, các nền tảng điện toán đám mây có mức độ sẵn sàng cao, rất hiếm khi ngưng hoạt động và có độ an toàn cao, khó bị tấn công nên doanh nghiệp cũng hạn chế chi phí đầu tư thêm các hạ tầng an toàn thông. Nếu doanh nghiệp đã có sẵn các hệ thống máy chủ, có thể mang tới và thuê dịch vụ đặt chỗ (co-location) của các trung tâm dữ liệu để được đảm bảo về an toàn và đường truyền. Vấn đề lớn nhất của hệ thống cloud là đường truyền tới
doanh nghiệp. Nếu mối tương tác là lớn, doanh nghiệp có thể phải đầu tư đường truyền và dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) để việc kết đảm bảo và an toàn. Ngày nay, công nghệ đường truyền phát triển nền việc này cũng không tốn kém và khá dễ dàng nên cơ bản đã được giải quyết.
(Còn nữa)
Phạm Duy Nho _ Sưu tầm trong Hướng dẫn Chuyển đổi số | Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp Dự án USAID LinkSME thực hiện.