(TBTCO) - Năm 2021 qua đi với nhiều khó khăn, thách thức khi dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bước sang năm mới 2022, dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp có thể gây khó khăn cho thu ngân sách, nhưng đây cũng là năm ngành Thuế có sự đột phá trong chuyển đổi số, khi hóa đơn điện tử được áp dụng rộng rãi từ 1/7/2022.
Công nghệ thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế
Cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế là một trong những nhiệm vụ được ngành Thuế rất quan tâm thời gian qua. Chính sự chủ động áp dụng công nghệ thông tin đã giúp công tác quản lý thuế ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả. Kết quả này đã được cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế đánh giá cao.
Đánh giá về công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa của ngành Thuế thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đưa ra bằng chứng hết sức thuyết phục khi cho biết, trong 8 năm liên tiếp, từ 2013 đến nay, Bộ Tài chính đứng đầu Bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam (Vietnam ICT Index) của khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. “Những kết quả, thành tích đó của ngành Tài chính trong những năm vừa qua, có sự đóng góp rất lớn và hết sức quan trọng của ngành Thuế” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (giữa), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (thứ 3, từ trái sang) cùng các đại biểu nhấn nút kích hoạt hệ thống triển khai hóa đơn điện tử (ngày 21/11/2021). Ảnh: Đức minh
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế ngày 21/11/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, ngành Thuế đã rất chủ động trong việc hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được ngành Thuế áp dụng vào công tác quản lý thuế.
“Từ năm 2009, ngành Thuế đã tiến hành đăng ký thuế điện tử, kê khai thuế điện tử, năm 2015 ngành Thuế triển khai vận hành hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế đến hoàn thuế. Đến nay, tỷ lệ đăng ký thuế điện tử đạt 100%; tỷ lệ khai thuế điện tử đạt 99,9%; tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử đạt 99%, hoàn thuế điện tử đạt gần 98%” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế bằng phương thức điện tử là một bước tiến dài của ngành Thuế. Chính sự chủ động trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế đã giúp cho các chỉ số về môi trường kinh doanh trong lĩnh vực thuế được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, người dân, doanh nghiệp được trực tiếp hưởng lợi, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được thực hiện nghĩa vụ nộp thuế qua mạng, không phải trực tiếp đến cơ quan thuế cũng như các cơ quan liên quan.
Cơ hội để chuyển đổi số mạnh mẽ trong năm 2022
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021, công tác hiện đại hóa hệ thống thuế và triển khai áp dụng hóa đơn điện tử là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong năm 2021. Với những lợi ích to lớn của hóa đơn điện tử mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội, Tổng cục Thuế đã hết sức nỗ lực, quyết tâm vào cuộc, triển khai khẩn trương, quyết liệt nhằm sớm đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống.
Với việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, nhất là việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử như lộ trình đã đề ra, kỳ vọng năm 2022 ngành Thuế sẽ tạo bước đột phá mới trong chuyển đổi số. Đây cũng là mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030 đã được Tổng cục Thuế xây dựng và triển khai trong thời gian tới.
Tổng cục Thuế đã xây dựng, trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế số 38, các nghị định và thông tư hướng dẫn, tạo ra hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, hành lang pháp lý rõ ràng về hóa đơn điện tử. Tổng cục Thuế cũng đã khẩn trương, quyết liệt triển khai, chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật như: Đầu tư máy móc thiết bị, nâng cấp đường truyền, xây dựng phần mềm ứng dụng, thành lập các trung tâm điều hành tại Tổng cục Thuế và 6 cục thuế triển khai giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021 - 3/2022) là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử tại Tổng cục Thuế và Ban chỉ đạo tại 6 tỉnh, thành phố.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38, kể từ ngày 1/7/2022 mọi tổ chức, cá nhân bắt buộc phải áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp đặc biệt như: không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, việc ngành Thuế đưa hóa đơn điện tử vào áp dụng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý thuế hiện đại. “Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của nền kinh tế, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của doanh nghiệp, người nộp thuế; vừa tiết giảm chi phi hành chính, vừa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn - big data, điều này đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cơ quan thuế, mà còn đối với khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính là một trong những cơ quan tiên phong, triển khai tích cực chuyển đổi số, thích ứng hiệu quả với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, hỗ trợ đắc lực trong cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý tài chính quốc gia. “Trong số những lĩnh vực chuyển đổi số quan trọng của Bộ Tài chính, phải kể đến lĩnh vực thuế, nhất là đối với hóa đơn điện tử. Quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và công nhận tính pháp lý của hóa đơn điện tử trong giao dịch dân sự - kinh tế, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được xem là bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm trong chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Xây dựng ngành Thuế hiện đại, dựa trên nền tảng thuế điện tử
Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030, ngành Thuế đặt ra 2 mục tiêu. Thứ nhất, đổi mới, đồng bộ hệ thống chính sách thuế để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đảm bảo tính ổn định, bền vững của quy mô nguồn lực; có mức động viên hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần thiết lập môi trường kinh tế cạnh tranh, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.
Thứ hai, xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tập trung, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đồng thời dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số.