Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết: Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội vừa có buổi làm việc với PVN về tình hình triển khai dự án phát triển mỏ khí Lô B và đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn; thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đánh giá các rủi ro liên quan tới thu xếp tài chính, cũng như làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đối với các dự án trong Chuỗi chậm tiến độ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo và các ban chuyên môn của PVN đã trình bày với Đoàn giám sát về tổng quan quá trình hình thành, phát triển Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn, những đặc thù và điều kiện tiên quyết triển khai Chuỗi dự án nói chung, cũng như dự án khí Lô B nói riêng.
Là Chuỗi dự án khí, điện có quy mô lớn tại Việt Nam, với sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3/năm (trong giai đoạn ổn định cho khoảng 20 năm). Dự án đóng vai trò chiến lược cung cấp nguồn năng lượng quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội cho khu vực miền Tây Nam bộ, đóng góp nguồn thu lớn và ổn định cho ngân sách Nhà nước (khoảng 22 tỷ USD trong suốt vòng đời dự án trên 20 năm).
Hiện nay, mọi nguồn lực và các điều kiện kỹ thuật của các bên đã sẵn sàng. PVN cùng các bên đầu tư thượng nguồn, trung nguồn đã thực hiện các công việc chuẩn bị phát triển dự án (đấu thầu các gói thầu lớn và chính của dự án, huy động nhân sự chủ chốt...) và xúc tiến đàm phán các thỏa thuận thương mại với các hộ tiêu thụ hạ nguồn.
Tuy nhiên, vì những lý do chủ quan và khách quan như vướng mắc về thủ tục đầu tư hạ nguồn dẫn đến tiến độ các dự án hạ nguồn luôn thay đổi, cũng như các vướng mắc liên quan đến cơ chế đảm bảo tiêu thụ sản lượng để các hộ tiêu thụ có thể ký kết hợp đồng thương mại trong Chuỗi dự án.
Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn đã bị lỡ tiến độ nhiều năm, năm 2023 là năm quan trọng để thúc đẩy tiến độ dự án nhằm sớm có first gas (đón dòng khí đầu tiên) vào cuối năm 2026. Và để giảm thiểu các rủi ro tới việc chậm trễ của Chuỗi dự án này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiến nghị Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội hỗ trợ thúc đẩy Chính phủ một số nội dung như sau:
Thứ nhất: Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 2 sớm thống nhất và phê duyệt nội bộ để ký kết các thỏa thuận thương mại với PVN vào tháng 6/2023 như kế hoạch đặt ra.
Thứ hai: Chỉ đạo tổ hợp chủ đầu tư Nhà máy điện Ô Môn 2 thúc đẩy công tác đàm phán để sớm ký kết thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí (GSA) với PVN không muộn hơn quý 1/2024.
Thứ ba: Sớm tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư, liên quan đến vốn ODA của Nhà máy điện Ô Môn 3, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) của Nhà máy điện Ô Môn 2 để các nhà máy điện có thể sớm triển khai phù hợp với tiến độ cung cấp khí của thượng nguồn (như dự kiến).
Tại buổi làm việc, các đại biểu thuộc Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Kinh tế, Vụ Tài chính Ngân sách, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn liên quan đến chi tiết kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tổng thể Chuỗi dự án và các dự án thành phần. Đánh giá các rủi ro liên quan tới thu xếp tài chính, quy trình, quy định pháp luật, các yếu tố kỹ thuật, biến động giá và chi phí có thể ảnh hưởng tới tính kinh tế hiện nay của chuỗi. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đối với các dự án chậm tiến độ.
Từ các kiến nghị, đề xuất của PVN, Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan để làm rõ thêm các vướng mắc, đưa ra các phương hướng tháo gỡ, nhằm đẩy nhanh tiến độ tổng thể Chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn.
Lô B - 48/95 và 52/97 nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, thuộc khu vực vùng trũng Bể Malay - Thổ Chu (vùng Thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Cà Mau khoảng 300 km, cách Trung tâm Điện lực Ô Môn khoảng 400 km, với độ sâu nước biển khoảng 77 mét).
Toàn bộ nguồn khí Lô B sẽ được vận chuyển bằng đường ống về khu vực quận Ô Môn (TP Cần Thơ) cung cấp khí cho các nhà máy nhiệt điện: Ô Môn 1, Ô Môn 2, Ô Môn 3 và Ô Môn 4 (với tổng công suất khoảng 3.810 MW). Trong giai đoạn bình ổn nguồn khí Lô B sẽ cung cấp cho các nhà máy điện mỗi năm khoảng 5,06 tỷ m3 khí để sản xuất khoảng 21,2 tỷ kWh điện, đáp ứng một phần nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Dự án Nhiệt điện Ô Môn 2 khi đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ khoảng 1,35 tỷ m3 khí/năm. Về tiến độ thực hiện dự án, nhà máy sẽ hoàn thành đầu tư và chính thức đưa vào vận hành thương mại năm 2026 - 2027, bảo đảm phù hợp với tiến độ chung của Chuỗi dự án khí, điện Lô B.
Khi Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 đi vào hoạt động sẽ sản xuất khoảng 6.300 GWh/năm, góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM