HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN NHÂN DỊP KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10/2024 CỦA BAN NỮ CÔNG VÀ ĐOÀN THANH NIÊN BAN QLDA ĐIỆN 3 .
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024), được sự đồng ý của Đảng ủy, Lãnh đạo Ban, Công đoàn cơ quan, Ban Nữ công Ban và Đoàn thanh niên QLDA Điện 3 đã tổ chức hành trình về nguồn đầy ý nghĩa cho toàn thể các Nữ CBCNV và Đoàn thanh niên về thăm chiến khu Rừng Sác - Cần Giờ -Tp . Hồ Chí Minh.
Mở đầu chuyến hành trình, các Chị em và Đoàn thanh niên đã đến tham Đảo khỉ hoang dã là một trong 24 tiểu khu của rừng ngập mặn Cần Giờ và nằm trong khu du lịch Lâm Viên. Dưới sự giới thiệu của Hướng dẫn viên du lịch đoàn về nguồn đã ngược dòng thời gian về khoảng những năm 1990s thì tại đây chỉ có tầm 100 con khỉ sinh sống ở tận sâu trong rừng.
Hình 1. Đoàn thăm quan chụp hình lưu niệm tại Chiến khu Rừng Sác
Đến nay Ở Đảo Khỉ Cần Giờ có gần 2.000 con khỉ thuộc loài khỉ đuôi dài nên có phần nghịch ngợm, tinh ranh hơn những loài khỉ khác. Khỉ ở đây không chỉ chăm sóc nhau, bắt chí cho nhau, trêu ghẹo đuổi bắt nhau mà còn trêu ghẹo, thu hút khách du lịch lấy đồ của khách như kính, mũ… khiến cho khách du lịch bất ngờ. Có thể nói, để có được Đảo Khỉ náo nhiệt như ngày hôm nay thì công sức của những CBCNV quản lý khi du lịch Lâm Viên đã dồn tâm huyết tìm hiểu thói quen của loài khỉ và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên ở Cần Giờ là rất lớn.
Dời Đảo khỉ Đoàn đã đi cano xuyên rừng tham quan thăm Di tích lịch sử Chiến khu rừng Sác - một căn cứ địa cách mạng quan trọng của bộ đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước để mục sở thị những hình ảnh, hiện vật, nghe những câu chuyện kể về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ năm xưa, cảm nhận và hiểu rõ hơn về những năm tháng chiến đấu vô cùng gian khổ của bộ đội đặc công. Cano đưa đoàn xuyên rừng, như tái hiện bối cảnh của chiến khu rừng Sác khi thấy mô hình đặc công, du kích được đặt dọc chiến khu, cho thấy rõ vai trò “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Cùng lắng nghe Hướng dẫn viên thuyết minh về những trận đánh ấn tượng của Bộ Chỉ huy Miền thành lập tại Đặc khu quân sự rừng Sác với mật danh T10 (Trung đoàn 10 - Đặc công rừng Sác), có nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá, chiếm giữ khu rừng Sác để tiến công liên tục vào kho, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy của Mỹ. Bộ đội đặc công rừng Sác đã làm nên những trận đánh lịch sử khiến quân địch phải khiếp sợ... tập thể Nữ công và đoàn thanh niên càng hiểu rõ ý nghĩa của trận đánh nghi binh tại tp Buôn Ma Thuột góp phần làm lên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, cũng như khó khăn khi vận chuyển thương bệnh binh từ rừng Sác về trung tâm để điều trị và hàng vạn những hy sinh thầm lặng.
Theo Hướng dẫn viên ở Khu di tích lịch sử này có 915 liệt sĩ đã hy sinh và đến nay vẫn còn 542 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Thân xác các anh đã hòa vào đất mẹ để đất nước được hòa bình, thống nhất.
Điểm cuối cuộc hành trình các chị em và đoàn thanh niên là lễ dâng hương tại tượng đài Đặc công rừng Sác được thực hiện trong không khí trang nghiêm. Thắp nén tâm hương trước tượng đài Đặc công rừng Sác, nơi mà những chiến sĩ quả cảm đã làm nên những chiến công hiển hách, khiến cho quân thù phải khiếp sợ, các thành viên trong đoàn không khỏi nghẹn ngào khi nghe hướng dẫn viên kể về thời gian sống và chiến đấu vô cùng khó khăn, vất vả và hiểm nguy của các chiến sĩ. Nhưng tinh thần quả cảm của các anh mãi mãi là những bản hùng ca sáng chói cho các thế hệ sau này noi theo.
Hình 2 Tập thể Nữ công và Đoàn thanh niên chụp hình lưu niệm tại Tượng đài Rừng Sác
Chia tay Chiến khu rừng Sác trong nỗi bùi ngùi, Tập thể nữ công và Đoàn thanh niên cảm thấy biết ơn sâu sắc những hy sinh của chiến sỹ Đặc công Rừng Sác và thầm quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đáp ứng được yêu cầu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của người phụ nữ trong thời đại ngày nay.
Dù chỉ vỏn vẹn trong một ngày nhưng chuyến đi về nguồn đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và kỷ niệm đẹp trong lòng Tập thể nữ công và Đoàn thanh niên. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa ý thức, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, gắn bó, tạo động lực hăng say làm việc cho các chị em để xứng đáng với tám chữ vàng chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cho người Phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”./.