Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm chủ động “số hóa” các hoạt động của doanh nghiệp và nhận thức chuyển đổi số là tất yếu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh.
Ảnh minh họa
“Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 khẳng định: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức và triển khai số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Hơn nữa, áp dụng chuyển đổi số không thể ồ ạt mà tùy từng loại hình, quy mô doanh nghiệp. Chẳng hạn như doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ quan tâm tới kế toán, hóa đơn, liên thông với ngân hàng. Doanh nghiệp vừa sẽ quan tâm đến thống nhất quản trị doanh nghiệp giữa các khối phòng ban… Mỗi loại hình sẽ có nền tảng chuyển đổi số khác nhau…
Thực tế cho thấy, ở Hà Nội chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực. Dịch COVID-19 đang và sẽ tiếp tục tạo sức ép buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước, nhất là phát triển các mô hình kinh doanh phi tiếp xúc truyền thống, hội họp trực tuyến, điều hành từ xa, thương mại điện tử… Khi lệnh cách ly xã hội được ban hành, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ đều đồng loạt chỉ bán mang đi (take-away). Các siêu thị cũng đồng loạt cung cấp dịch vụ giao hàng online…
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp vượt khó và tăng trưởng hiệu quả
Một nghiên cứu mới đây được công bố tại hội thảo “Lãnh đạo và quản lý trong thời đại chuyển đổi số” tổ chức tại Hà Nội cho thấy, các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội sử dụng công nghệ số để vận hành đã giúp doanh nghiệp tăng doanh thu đến 34%, giúp tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, thời gian in ấn, sắp xếp và tìm kiếm tài liệu, lưu trữ, hỗ trợ hoạt động dễ kiểm soát và lên kế hoạch phát triển kinh doanh.
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse tiếp tục khẳng định tên tuổi trên bản đồ gia dụng thế giới khi chính thức khởi động chiến lược chuyển đổi số hoạt động sản xuất theo mô hình Nhà máy thông minh của ITG Technology, áp dụng đầu tiên với nhà máy nhựa ALUBA. Đây là sự kiện được xem là có tiếng vang lớn trong chương trình chuyển đổi số của doanh nghiệp Hà Nội. Cụ thể, Sunhouse bắt tay với ITG Technology triển khai giải pháp Nhà máy thông minh “make in Vietnam” - 3S iFACTORY - một trong những giải pháp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ tốt khách hàng và thị trường trong kỷ nguyên 4.0.
Không chỉ Sunhouse, thời gian qua, chủ trương chuyển đổi số đã và đang được quan tâm triển khai tại nhiều doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn Hà Nội, nhằm thích ứng với tình hình khó khăn chung do dịch bệnh hiện nay.
Đơn cử, Traphaco, một thương hiệu đầu ngành của ngành dược Việt Nam, đầu tư giải pháp phần mềm quản trị nhân sự, đồng thời chuẩn hoá lại hết các quy trình quản trị nhân sự, xây dựng và áp dụng hệ thống Lương 3P, đặc biệt là chú trọng nhiều hơn vào công tác quy hoạch và phát triển nhân tài để chuẩn bị cho những bước tiến xa hơn sau giai đoạn đại dịch.
Còn bà Phạm Quỳnh Diệp, Giám đốc Nhân sự Công ty Cổ phần Vua Nệm cho biết, hiện nay Vua Nệm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản trị nhân sự bằng cách sử dụng nền tảng EFY-E-contract, E-hiring của Base và HRM của Công ty Cổ phần phần mềm OOS kết hợp với hàng loạt nền tảng CNTT quản trị doanh nghiệp khác. Với việc sử dụng nền tảng E-contract, Vua Nệm có thể ký kết hợp đồng lao động với nhân viên trên khắp thế giới thông qua điện thoại hoặc máy tính, không phải in ấn hồ sơ, giấy tờ, không phải ký đóng dấu trên giấy và chuyển phát nhanh hợp đồng lao động tới nhân viên ở tỉnh xa và chuyển lại nữa. Triển khai nền tảng này, ngay lập tức doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí.
Đối với công tác tuyển dụng, Vua Nệm có một nền tảng tại website https://tuyendung.vuanem.com , với nền tảng này, ứng viên dễ dàng đăng ký ứng tuyển vào Vua Nệm và ngay lập tức thông tin của ứng viên đổ về kho dữ liệu của Vua Nệm và hai bên kết nối với nhau một cách thuận tiện, dữ liệu được quản lý khoa học và tự động, các khâu phỏng vấn, gửi thư mời làm việc diễn ra hết sức suôn sẻ và khoa học. Với nền tảng HRM của Công ty Cổ phần phần mềm OOS, Vua Nệm sẽ lưu trữ mọi dữ liệu của hàng nghìn nhân viên trên Cloud, hệ thống báo cáo tự động để Ban lãnh đạo có cơ sở ra quyết định dễ dàng, khoa học. Nhân viên chỉ cần mở ứng dụng là biết mọi thông tin của mình như chế độ lương thưởng, ngày phép, ngày công, Bảo hiểm y tế xã hội... một cách minh bạch, đơn giản, thuận tiện… Hơn thế nữa, tất cả các nền tảng đều có thể kết nối với nhau để tạo ra một hệ thống khép kín hoàn chỉnh.
“Đừng ngần ngại tham gia chuyển đổi số”
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa, Chủ tịch Công ty iBOSSES Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn VNPT, từng đặt ra tình huống: “Chuyển đổi số hay là chết” để khẳng định tính tất yếu sống còn của doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ trong tình hình và xu hướng phát triển hiện nay. Các CEO ở nhiều doanh nghiệp từng tham gia chuyển đổi số từ rất sớm cũng cho rằng, dù còn nhiều vấn đề khó khăn trong triển khai “số hóa” các hoạt động của mình, nhưng chuyển đổi số là “cần làm ngay và đừng ngần ngại”
Công ty Cổ phần MISA đã đón làn sóng công nghệ mới, nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm hiện đại, trong đó có hóa đơn điện tử - một sản phẩm phù hợp với việc bán hàng từ xa. Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng sản phẩm này đã vươn đến khách hàng trong nhiều lĩnh vực mới. Bởi đây là sản phẩm giúp các doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong thời gian giãn cách xã hội do COVID-19; phù hợp với xu thế phát triển thương mại điện tử. Bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA chia sẻ, tổng kết năm 2020, MISA tăng trưởng 25% so với năm 2019 dù phải đối đầu với nhiều khó khăn do ảnh hưởng COVID-19.
Theo lời khuyên của Giám đốc Nhân sự công ty cổ phần Vua Nệm Phạm Quỳnh Diệp, để chuyển đổi số, các doanh nghiệp chỉ cần tìm hiểu và lựa chọn nền tảng hữu ích và phù hợp với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp mình. Việc còn lại để cho các chuyên gia giải pháp ở các công ty CNTT lo. Theo bà Diệp, "các doanh nghiệp đừng ngần ngại chuyển đổi số, bởi vì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất lớn từ công cuộc này.
Sưu tầm: Nguyễn Minh Tân – Phòng KTKH
Nguồn: Chinhphu.vn