90% doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số thì 85% thất bại và chỉ có 5% thành công. Câu hỏi được đặt ra: Doanh nghiệp nên chuyển đổi số hay là tự đào thải?
Tầm nhìn chiến lược
Tại hội thảo “Chuyển đổi số hay là chết?” do Shark Tank Việt Nam tổ chức mới đây, ông Vũ Minh Trí - CEO VNG Group cho biết: “Trước đây, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh trên một xa lộ thẳng tắp. Công ty có tầm nhìn là công ty nhìn thấy rất xa con đường thẳng tắp đó. Ví dụ, một số công ty bán lẻ hay taxi, tầm nhìn xa của họ là trong thời gian bao nhiêu năm, phải mở ra bao nhiêu cửa hàng, mỗi cửa hàng cách xa bao nhiêu mét, phải mua bao nhiêu chiếc xe, cần bao nhiêu tài xế... Tuy nhiên, với tầm nhìn xa nhưng chỉ bằng “mắt” và khả năng dự đoán, DN chỉ có thể đi được một đoạn đường ngắn. Khi môi trường kinh doanh không còn là con đường thẳng tắp mà bắt đầu chuyển hướng sang đường cong với rất nhiều vật cản không lường trước, đó là các hãng Uber, Grab, Amazon, Lazada... thì các DN này phải thay đổi toàn bộ tầm nhìn chiến lược nếu muốn tồn tại. Điều tất yếu phải có là data (dữ liệu) và phải biết chuyển data đó thành thông tin, từ đó tạo ra tầm nhìn chiến lược".
Lấy câu chuyện một công ty chuyên tổ chức sự kiện của Mỹ, sau khi nắm trong tay dữ liệu của khách hàng, công ty này bắt đầu phân tích dữ liệu dựa trên màu da của khách hàng, sau đó bán lại dữ liệu cho hãng mỹ phẩm Shiseido. Tiếp nhận dữ liệu, Shiseido đã thay đổi cách bán hàng truyền thống sang bán hàng qua ứng dụng điện thoại. Việc áp dụng chuyển đổi số vào bán hàng đã giúp Shiseido cải thiện doanh thu rất nhanh. Nhờ dữ liệu và thao tác đơn giản là chụp ảnh trên cánh tay và mặt, Shiseido có thể tiếp cận với hàng triệu khách hàng và “cá nhân hóa” sản phẩm phù hợp cho hàng triệu khách hàng.
Với định nghĩa “chuyển đổi số” là quá trình thay đổi từ mô hình DN truyền thống sang DN số, bằng việc áp dụng công nghệ số như: dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud) vào mọi lĩnh vực hoạt động vì mục đích nâng cao năng suất của DN, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc cũng như văn hóa công ty, rất nhiều DN cảm thấy lo lắng và không ít còn mơ hồ với sự chuyển đổi này.
Bắt đầu từ tư duy người đứng đầu
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech, chuyển đổi số không phải là cái gì phức tạp hay hoành tráng. Nó là những hành vi cực kỳ nhỏ. Điểm khác biệt giữa DN truyền thống và DN số, đó là DN truyền thống đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm và cảm tính, còn DN chuyển đổi số đưa ra quyết định dựa trên chứng minh và dữ liệu, số liệu. Với số liệu, lập tức mọi thứ trở nên minh bạch. Còn nếu tiếp tục lập luận dựa trên cảm tính thì vẫn còn chưa đủ minh bạch. Điều quan trọng là sự thay đổi nhận thức phải được bắt đầu từ tư duy của người đứng đầu, vì lực cản trở lớn nhất của chuyển đổi số bắt đầu từ người lãnh đạo DN.
Chuyển đổi số không phải là cái gì phức tạp hay hoành tráng. Nó là những hành vi cực kỳ nhỏ. Điểm khác biệt giữa doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp số, đó là doanh nghiệp truyền thống đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm và cảm tính, còn doanh nghiệp chuyển đổi số đưa ra quyết định dựa trên chứng minh và dữ liệu, số liệu.
(Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech)
Ông Bình cũng khẳng định: “Các DN Việt Nam chưa sẵn sàng hoặc chưa thành công khi bước vào sân chơi chuyển đổi số vì chưa có giải pháp tốt. Nguyên nhân sâu xa là Việt Nam chưa có nhiều chuyên gia công nghệ tốt”. Nói vậy, không có nghĩa nguồn nhân lực IT của Việt Nam thua kém thế giới. Thực tế, nhân lực phần mềm của Việt Nam không hề thấp so với mặt bằng chung của thế giới.
Đưa ra lời khuyên cho các DN startup, DN vừa và nhỏ (SME), ông Bình cho rằng: Đầu tiên, các DN nên dùng nền tảng, dịch vụ, phần mềm online sẵn có. Thứ hai là tìm đối tác để thực hiện chuyển đổi số. Song, điều này chỉ phù hợp với các DN lớn, không phù hợp với SME. Bước tiếp theo là săn giám đốc cao cấp về công nghệ, cuối cùng là tìm những DN công nghệ làm “tri kỷ" để đồng hành.
Bà Trương Lý Hoàng Phi - Tổng giám đốc Vintech City cũng cho rằng, muốn chuyển đổi số, trước hết cần có sự "lột xác" trong DN và sự quyết tâm của DN về vấn đề con người, nguồn nhân lực. Thực tế cho thấy, nhiều DN bước vào chuyển đổi số thường gặp sự phản ứng của số đông trong nội bộ. Khi làn sóng các DN cùng hướng tới chuyển đổi số, những người nào không thích ứng được với nền kinh tế số đó, chắc chắn họ sẽ là những người bị loại. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, việc vào cuộc và cùng thay đổi của các cơ quan Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, chuyển đổi số cần có sự thay đổi đồng bộ.
Những thách thức
Phát biểu tại hội thảo “Dự báo kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số” do Tổ chức Giáo dục PTI tổ chức mới đây, ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực chất là cuộc cách mạng về chính sách, thể chế. Điều kiện để có nền kinh tế số là nguồn lực, gồm nguồn nhân lực trí tuệ, năng lực công nghệ, DN hiện đại và hạ tầng số. Đặc biệt, thể chế phải công khai minh bạch, kết hợp với quản trị thông minh, quyền sở hữu trí tuệ, an ninh mạng và an toàn số. Càng có nhiều nguồn lực này, nền kinh tế số càng chuyển đổi nhanh”.
Khẳng định việc DN sẽ có nguy cơ phá sản nếu chậm chuyển đổi số, tuy nhiên, ông Trần Đình Thiên cho rằng, vẫn có không ít thách thức. Cụ thể, DN vẫn phải đối phó với các rủi ro truyền thống. Bên cạnh đó, rủi ro công nghệ mang tính lây lan mạnh và khả năng tàn phá lớn khi chiến trường chính đang dịch chuyển từ “không gian thực” sang “không gian ảo”.
Minh chứng nhận định trên, ông Bình cũng đưa ra khảo sát gần đây, cho thấy, 50,9% DN gặp thách thức về an ninh mạng khi chuyển đổi số và 27,3% DN gặp thách thức từ nội bộ.
Đưa ra thách thức cũng không dễ thay đổi nhanh là “thoát cũ, xây mới’, ông Thiên cho rằng, cả bộ máy Nhà nước cùng hệ thống quyền lực cũ cũng phải được cải tổ. Đây là công việc khó khăn và giá phải trả rất lớn. Vì hệ thống cũ càng đồ sộ, chi phí chuyển đổi càng cao, quá trình chuyển đổi càng khó khăn. Hiện kinh tế số hoạt động dựa trên dữ liệu và vẫn có sự thiếu hụt năng lực về con người bộ máy, công nghệ, tài chính, hạ tầng số...
Đưa ra chiến lược để theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế số, ông Thiên cho rằng, phải thực hiện được chính sách phát triển đồng bộ, DN và các trường đại học công nghệ, phát triển một số ngành chọn lọc IT, hỗ trợ các ngành khoa học công nghệ phát triển bằng thể chế và chính sách, nuôi dưỡng các kỹ năng khoa học công nghệ bằng phương pháp giảng dạy phù hợp, trong đó, Nhà nước phải giữ vai trò dẫn dắt, kiến tạo, can thiệp, hỗ trợ thị trường, song hành chiến lược phát triển DN Việt Nam, trong đó trụ cột là các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh và nền tảng là các DN SME, các DN khởi nghiệp sáng tạo.
Sưu tầm tạih trang Web: https://doanhnhansaigon.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so-hay-la-chet-1095217.html