Để giải quyết việc quá tải trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai tại một số địa phương, Bộ TN&MT vừa đề nghị các địa phương tăng cường cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Để giải quyết việc quá tải trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai tại một số địa phương, Bộ TN&MT vừa đề nghị các địa phương tăng cường cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.
* Quá tải tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai
Theo Bộ TN&MT, thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự nỗ lực của các cấp chính quyền, công tác quản lý nhà nước về đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng; đã tạo lập được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai đồng bộ, chặt chẽ; đảm bảo việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; thị trường bất động sản dần hồi phục; tạo ra những động lực cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn bộc lộ một số tồn tại, bất cập như việc quá tải trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai tại một số địa phương.
Điển hình như ở Quảng Ngãi, trước tin đồn về việc nếu không gia hạn sổ đỏ sẽ bị thu hồi, hoặc không được đền bù nếu trúng dự án hai dự án cao tốc Bắc – Nam và đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đi qua địa phương, người dân ở thị xã Đức Phổ ùn ùn đi làm giấy tờ đất đai, nhà ở. Theo thống kê của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Ngãi - chi nhánh Đức Phổ (cơ quan tiếp nhận hồ sơ đất đai từ bộ phận một cửa), từ ngày 4/1 đến 31/3, chi nhánh đã tiếp nhận hơn 8.600 hồ sơ. Riêng trong tháng 3 số lượng hồ sơ là 4.338, tương đương với gần 140 hồ sơ một ngày.
Còn tại Bộ phận một cửa huyện Long Thành, Đồng Nai, từ tháng 11-2021 đến nay, số lượng hồ sơ thuộc lĩnh vực đất đai (sang nhượng, thế chấp, đo đạc, tách thửa) của huyện tăng cao. Cao điểm là quý I-2022, Bộ phận một cửa huyện đã tiếp nhận hơn 21 ngàn hồ sơ đất, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Hiện trung bình mỗi ngày bộ phận này tiếp nhận khoảng 700-800 hồ sơ đất. Do lượng hồ sơ tăng, tiếp nhận và xử lý hồ sơ đất cần nhiều thời gian hơn so với các loại hồ sơ khác nên có xảy ra chậm, trễ hạn. Người dân lo lắng lại dồn dập đi nộp hồ sơ nhiều hơn.
Tại tỉnh Kon Tum, theo thống kê Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum của Trung tâm, trong quý I/2022, hồ sơ các thủ tục hành chính về “Đăng ký biến động đất đai" trên địa bàn thành phố Kon Tum tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu năm đến trung tuần tháng 4, Trung tâm đã tiếp nhận 7.288 hồ sơ về đăng ký biến động đất đai trên địa bàn thành phố Kon Tum. Trong đó, với tới gần 70% số lượng hồ sơ là chuyển nhượng, số còn lại là thay đổi thông tin trên sổ đỏ. Bên cạnh đó là nhu cầu tách thửa cũng tăng rất lớn.
Để giải quyết vấn đề này nhiều địa phương đã linh hoạt trong việc xử lý quá tải. Đơn cử như tại Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở TN&MT chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh và Chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố công khai hướng dẫn cho người dân hiểu rõ quy định pháp luật đất đai đối với những trường hợp cần thiết phải gia hạn sử dụng đất, xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp và trường hợp không cần thiết phải gia hạn sử dụng, xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp để hạn chế việc người dân đồng loạt thực hiện nộp hồ sơ.
Bổ sung nhân sự để tăng cường hỗ trợ cho Bộ phận Một cửa một số địa phương có phát sinh số lượng hồ sơ đất đai tăng đột biến trong thời gian qua, nhất là hồ sơ gia hạn sử dụng đất, xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp.
Tại Kon Tum, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum đề nghị UBND thành phố Kon Tum chỉ đạo UBND các xã, phường và bộ phận một cửa các cấp tuyên truyền, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa cấp xã đối với 02 thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai theo Phương án và Danh mục thủ tục hành chính thực hiện thí điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính đã được UBND tỉnh phê duyệt.
* Cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin
Để tháo gỡ khó khăn trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân vừa ký Công văn số 2581/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc một số giải pháp tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay. Trong đó có giải pháp về để giải quyết vấn đề này là tăng cường cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Theo đó, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử. Rà soát, đánh giá, xác định thủ tục hành chính phù hợp triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và công bố danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai trực tuyến để người dân, doanh nghiệp vẫn giải quyết được thủ tục hành chính nhưng giảm thiểu việc đến nơi nộp hồ sơ.
Bên cạnh đó, xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai và Bưu điện để trao đổi, thống nhất phương thức triển khai thực hiện về việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, tài liệu và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai như: Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ Bưu chính công ích đối với thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; luân chuyển hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính giữa các đơn vị Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Sở TN&MT cũng như việc chuyển phát các công văn, tài liệu về đất đai đến các cơ quan có liên quan đối với trường hợp phải chuyển bản giấy qua dịch vụ Bưu chính công ích.
Ngoài ra, tổ chức quản lý chặt chẽ dữ liệu hình thành trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Trong trường hợp chưa chuẩn bị được hạ tầng và các điều kiện để vận hành cơ sở dữ liệu đất đai, căn cứ vào điều kiện thực trạng về hạ tầng, nhu cầu, nguồn lực của địa phương, cần nghiên cứu xây dựng đơn giá cho thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin (giải pháp đồng bộ cả phần cứng phục vụ cài đặt phần mềm, lưu trữ dữ liệu và đường truyền) để các Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện lưu trữ dữ liệu, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, tận dụng nguồn lực của các thành phần kinh tế.
Nguyễn Văn Tín – KS phòng BT-GPMB (Sưu tầm).
Nguồn theo trang thông tin điện tử tỉnh Hà Nam